17
Th3
12

Kiến thức đến từ đâu?

Trần Đình Hoành

Chào các bạn,

Lúc mình mới vào làm luật sư cho chính phủ liên bang Mỹ, gần phòng mình có một luật sư cao cấp (senior attorney), đã vào nghề lâu lắm rồi. Anh này biết nhiều và nhớ tốt mọi vấn đề như là một quyển báck khoa tự điển sống. Kiến thức trong đầu anh ta thật kinh khủng. Nói đến hầu như điều gì trên đời, anh ta cũng có thể kể cho bạn tràng giang đại hải nhiều thông tin chi tiết về vấn đề đó. Nhưng mình thắc mắc là tại sao anh ta không được làm chức vụ chỉ huy nào cả, trong lúc rõ ràng là không ai trong cơ quan có cái đầu siêu như anh chàng.

Sau một thời gian mình hiểu lý do. Anh này đúng là một quyển bách khoa tự điển thật, nhưng là một quyển báck khoa tự điển, không hơn không kém. Anh ra hiểu rất ít về tình cảm và liên hệ con người. Dù anh ta là người hiền hậu, cách nói chuyện của anh ta nhiều khi nghe cụt ngủn và mất tình cảm, dễ làm cho người đối diện bực mình. Ngồi một nhóm, hầu như anh ta không nắm bắt được cảm xúc của mỗi người, cho nên không biết làm sao để giúp mọi người gắn bó thành một khối. Luật thì nhớ làu làu và có thể phân tích rất hay, nhưng đặt luật vào khung cảnh người thì anh chẳng biết phân tích luật hợp với tình cảm con người. Nói chung không hơn là một quyển sách đầy thông tin là bao nhiêu.

“Thông tin” (information) không phải là “kiến thức” (knowledge). Kỹ năng sử dụng thông tin hiệu lực trong liên hệ con người—với chính mình, với người khác, với xã hội—đó mới là kiến thức. Ta có thể là một quyển tự điển sống, nhưng điều đó nghĩa lý gì trong thời đại Google khi mà mọi thông tin đều nằm ở đầu ngón tay ta?

Thông tin khô cứng ta có được trong tự điển bách khoa chẳng nghĩa lý gì cả, cho đến khi ta biết sử dụng chúng trong đời sống, tức là trong liên hệ con người, với nhiều cảm xúc và suy tư khác nhau của mỗi người.

Tức là, ta phải rành cảm xúc và suy tư của mọi người quanh ta để ta có được kỹ năng sử dụng thông tin một cách hiệu quả.

Kỹ năng sử dụng thông tin hiệu quả là kỹ năng biến thông tin thành kiến thức. Cũng như, thông tin về nấu ăn là các công thức nấu các món ăn trong sách nấu ăn ta biết. Nhưng phục vụ người quen hay khách hàng, đòi hỏi ta biết ý thích ăn uống của mỗi người và của đa số người, để điều chỉnh món ăn và cách phục vụ cho đúng cách. Kỹ năng nấu thành món hợp khẩu vị từng người và phục vụ, đó là kiến thức.

Thiếu hiểu biết về cảm xúc và suy tư của những người quanh ta, ta có thể có thông tin, nhưng không thể có kiến thức.

Và hiểu biết về cảm xúc và suy tư của người khác đòi hỏi một điều rất quan trọng: Đó là bạn nhìn được người khác với một trái tim nhân ái.

Nếu trái tim bạn thiếu nhân ái, cái nhìn của bạn rất hời hợt, bạn chẳng thể hiểu được mọi người quanh bạn, dù đó là ai.

Tóm lại, thông tin là thông tin. Thông tin chỉ thành kiến thức khi ta biết cách sử dụng thông tin vào các liên hệ con người. Và ta chỉ biết cách sử dụng thông tin vào các liên hệ con người, nếu ta hiểu được cảm xúc và suy tư của mọi người. Ta chỉ hiểu được cảm xúc và suy tư của mọi người nếu ta có thể nhìn mọi người luôn luôn với trái tim nhân ái của ta.

Chúc các bạn một ngày nhân ái.

Mến,

Hoành


0 Trả lời to “Kiến thức đến từ đâu?”



  1. Gửi bình luận

Bình luận về bài viết này


Lượng người truy cập

  • 84 579 hits

Bài được xem nhiều nhất

  • Trống
Tháng Ba 2012
H B T N S B C
 1234
567891011
12131415161718
19202122232425
262728293031