Archive for Tháng Sáu, 2012

29
Th6
12

Vấn nạn xin học cho con tại VN

Mike Ives – Phóng viên hãng AP

Đây là một trong những trường công duy nhất ở Việt Nam nhấn mạnh lối học theo kiểu Mỹ thay vì kiểu học vẹt. Khoảng 600 trẻ em tuổi mẫu giáo từ khắp nơi ở Hà Nội cạnh tranh để giành một trong 200 suất học tại trường vào mùa thu này.

“Nó giống như xổ số vậy,” ông Huy, 35 tuổi, nói. Ông hy vọng con gái ông sẽ là trong số được chọn. “Chúng tôi cần tới vận may.”

Vụ xô đẩy giẫm đạp lên nhau mới đây, khiến một số người bị thương nhưng không ai bị bắt, đã nhấn mạnh một vấn đề mà các chuyên gia nói rằng đang đè nặng lên giới lãnh đạo nhà nước Cộng sản Việt Nam: gần bốn thập niên kể từ khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc, hệ thống giáo dục của đất nước này vẫn còn trong tình trạng tham nhũng và lạc hậu khiến ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế của nước này.

Và một tầng lớp trung lưu đang cố tìm những lựa chọn thay thế.

Du học nước ngoài

Tại một đất nước Khổng giáo, nơi giáo dục là một nỗi ám ảnh quốc gia, trường học ở mọi cấp đang bị cản trở bởi tệ gian lận thi cử, đút lót và thiếu các chương trình giảng dạy và nghiên cứu có tiếng trên thế giới. Kết quả là một con số ngày càng gia tăng sinh viên Việt Nam nhập học tại các trường tư theo mô hình quốc tế và sau đó là đi du học ở nước ngoài.

Mặc dù thu nhập trung bình tại đây chỉ ở mức 1.400 đô la Mỹ/, hơn 30 ngàn học sinh, sinh viên Việt Nam du học tại nước ngoài trong năm ngoái. Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới về số sinh viên Việt Nam đăng ký học tại Úc, thứ 8 số học sinh học tại Mỹ – cao hơn con số từ Mexico, Brazil và Pháp đang du học tại Mỹ.

Nhiều trường đại học chỉ quan tâm tới tuyển càng nhiều sinh viên càng tốt

Đàng Thị Mỹ Hương, đại biểu Quốc hội

Con số sinh viên Việt Nam học tại Mỹ đã tăng bảy lần, từ khoảng 2.000 sinh viên cách đây một thập niên. Phần lớn trong tổng số 15 ngàn sinh viên Việt Nam đang học tại Mỹ là không có học bổng tại các trường có tiếng tăm, nhưng thay vào đó họ học tại các trường cao đẳng cộng đồng do gia đình tự tài trợ, theo Viện Giáo dục Quốc tế có trụ sở tại New York.

Không giống các trường Đại học ở nước láng giềng Trung Quốc, nơi các nhà lãnh đạo cộng sản đã thực hiện những cải cách toàn diện vào những năm 80, trường học tại Việt Nam đã không theo kịp với thế giới đang ngày càng được toàn cầu hóa, các chuyên gia cho biết.

Chính phủ Việt Nam thay vào đó duy trì một hệ thống giáo dục quảng bá cho quản lý tập trung thiếu hiệu quả và thiếu lối suy nghĩ có tính phê bình. Tới 10% các khóa học tập trung vào giảng dạy về Marx-Lenin và cố Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Mô hình giáo dục của Việt Nam là “một mô hình phù hợp cho tất cả” và giới lãnh đạo tại đất nước này “đáng lẽ phải làm nhiều hơn nữa để giáo dục là một trong những tài sản của mình,” Mai Thanh, một chuyên gia cấp cao về giáo dục của Ngân hàng Thế giới tại Hà Nội, nói. “Tôi xem đây là một cơ hội bị bỏ lỡ”.

Tệ nạn trong giáo dục

Vào khi tỉ lệ tăng trưởng thường niên của Việt Nam đang ở mức 6% mặc dù là trong số nước có tỉ lệ lạm phát cao nhất châu Á và một nền kinh tế chịu gánh nặng bởi các công ty trì trệ thuộc sở hữu nhà nước, các phân tích gia cho biết cuộc khủng hoảng giáo dục đang đe dọa làm thui chột lực lượng lao động trong nước và cản trở thêm nữa sự phát triển của đất nước.

Intel, công ty sản xuất chip vi tính lớn nhất thế giới, đang vật lộn trong việc tuyển dụng công nhân lành nghề cho các cơ sở sản xuất của họ tại thành phố Hồ Chí Minh, các nhà nghiên cứu từ trường Kennedy của Đại học Harvard nói.

Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đã nói rằng “cơ sở hạ tầng về nguồn nhân lực” của Việt Nam không hỗ trợ cho những nhu cầu về giáo dục ngày càng giao tăng và các nhà nghiên cứu của trường Harvard cho biết cải tổ trong hệ thống giáo dục cao đẳng và đại học của nước này đã bị “đông giá” kể từ khi đất nước này thực thi các cải tổ kinh tế và tự do hóa vào giữa những năm 1980s.

“Người ta muốn cải tổ trường học nhưng họ không thể làm gì được. Giáo dục chỉ là một bánh xe trong hệ thống mà thôi.”

Ông Huy, một phụ huynh học sinh

Mặd dù Việt Nam đầu tư vào giáo dục tính theo tỉ lệ so với sản phẩm quốc nội là cao hơn các nước khác trong vùng châu Á Thái Bình Dương, các nhà nghiên cứu nói, nhưng vấn đề không phải là thiếu đầu tư mà là thất bại về quản trị.

“Chính phủ rất có ý thức rằng có tình trạng không hài lòng đang lan rộng trước hiện trạng của hệ thống giáo dục tại Việt Nam và tâm lý này có thể thấy ở cả những người đi đầu trong lĩnh vực kinh tế và chính trị cũng như ở tầng lớp bình dân,” theo ông Ben Wilkinson, đồng tác giả của bản phúc trình năm 2008 và cũng là Phó Giám đốc Chương trình Việt Nam của trường Kennedy tại thành phố Hồ Chí Minh.

Ông nói thêm rằng còn quá sớm để có thể nói việc sinh viên du học tại các trường đại học nước ngoài sẽ có những tác động như thế nào tới tương lai của đất nước này.

Tự tìm giải pháp

Một vấn đề khác là cha mẹ đút lót cho giáo viên để con được điểm hoặc bằng cấp cao đã trở thành một việc phổ biến. Trong bản phúc trình năm 2010, tổ chức Minh bạch có trụ sở ở Berlin đã kết luận rằng giáo dục được xem là lĩnh vực có tham nhũng nhiều nhất tại Việt Nam chỉ sau lĩnh vực các cơ quan thực thi pháp luật.

Truyền thông nhà nước thường xuyên đưa tin về những vụ bê bối liên quan tới giáo dục, bao gồm một vụ mới đây tại một trường trung học tư ở tỉnh Bắc Giang khi một giám thị đã phân phát “phao” thi cho thí sinh tại cuộc thi tốt nghiệp trung học toàn quốc. Sau khi một thí sinh đã lén quay video được vụ việc này sáu giáo viên và nhân viên của trường đã bị sa thải.

…đáng lẽ phải làm nhiều hơn nữa để giáo dục là một trong những tài sản của Việt Nam. Tôi xem đây là một cơ hội bị bỏ lỡ.

Bà Mai Thanh, một chuyên gia cao cấp về giáo dục của Ngân hàng Thế giới tại Hà Nội

Trước đó trong tháng này, Quốc hội Việt Nam đã thông qua một điều luật nhằm đem lại cho các trường Đại học của Việt Nam có nhiều quyền tự chủ hơn nhưng các nhà cải cách giáo dục vẫn còn khá hoài nghi.

“Nhiều trường đại học chỉ quan tâm tới tuyển càng nhiều sinh viên càng tốt,” đại biểu quốc hội Đặng Thị Mỹ Hương nói với giới truyền thông do nhà nước quản lý vào tháng Năm.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã không phản hồi trước những câu hỏi do hãng tin AP đặt ra cho họ.

Giới trung lưu Việt Nam nay đang tự hỏi làm cách nào để giúp con cái mình phát triển bất chấp một hệ thống giáo dục không hiệu quả. Một chiến lược là đăng ký cho chúng vào các lớp buổi tối do các thầy cô giáo ở trường công dạy. Những thầy cô giáo này vốn chỉ có đồng lương khoảng 5 triệu đồng một tháng.

Không giống các viên chức cao cấp khác của Việt Nam, phần lớn các gia đình chỉ đơn giản là không thể đủ tiền cho con cái vào các trường tư và các trường cao học ở nước ngoài.

Nhưng với ông Huy, người đã đứng đợi cả đêm bên ngoài trường phổ thông cơ sở này thì ông thật may mắn. Ông mới biết tin con gái sáu tuổi của ông đã được nhận vào trường tư này với học phí 870.000 VN đồng ($40) một tháng, mà như ông nói là rẻ hơn gấp 10 lần so với một vài trường tư khác.

“Người ta muốn cải tổ hệ thống trường học nhưng họ không thể làm gì được,” ông nói. “Giáo dục chỉ là một bánh xe trong hệ thống mà thôi.”

Theo BBC Tiếng Việt

29
Th6
12

Nói nhanh

Trần Đình Hoành

Chào các bạn,

Nói thường là vận tốc tự nhiên của ta, do cá tính của ta—người suy nghĩ như chớp thường nói nhanh, người suy nghĩ chậm hơn thường nói nhẹ, hoặc ngược lại, người không suy nghĩ thường nói nhanh, người suy nghĩ thường nói chậm. Vận tốc nói cũng tùy theo vùng: Ở các vùng bận rộn như New York và Washington DC người thường nói nhanh hơn các vùng ít bận rộn hơn như Alabama hay Tennessee.

Tuy nhiên đây là điều quan trọng, thông thường là khi gặp người nói chậm hơn, thì người nói nhanh thường làm người ta sợ, hay bực mình, và mất cảm tình. Nói nhanh thường làm cho người có thói quen nói chậm hồi hộp vì họ có cảm tưởng họ nói không kịp với mình—nếu mình là người nói nhanh vì có cái đầu trống rỗng thì họ bực mình vì cái đầu trống rỗng của mình, nếu mình nói nhanh vì mình thông minh thì họ sợ cái thông minh của mình.

• Cho nên cách tốt nhất là khi gặp người nói chậm, thì bạn nên nói chậm lại.

Đây cũng là một kỹ thuật nói gọi là mirroring (phản chiếu bằng gương)—người đối diện nói nhanh chậm thế nào thì ta nhanh chậm thế đó, dùng từ giản dị hay phức tạp thế nào, thì ta dùng từ giản dị và phức tạp thế đó. Mirrorring không phải là cách nói tốt nhất, nhưng là một cách nói rất hữu hiệu—nó tránh hiểu lầm và giúp người kia cảm thấy gần gũi mình một cách tự nhiên.

• Ngoài ý do mirroring, nếu bạn là người suy nghĩ sâu sắc khi nói thì có lẽ là bạn có nói rất chậm. Đó là một điều tốt.

Cho nên nếu bạn đang nói rất nhanh, tập suy nghĩ kỹ hơn khi nói, và chậm lại cũng là một điều tốt.
Nếu bạn rất thông minh, nói rất nhanh, thì con chừng những người gần gũi bạn thường hay bị stress xưa nay.

Chúc các bạn một ngày chậm lại.

Mến,

Hoành

28
Th6
12

Tích cực một chiều

Trần Đình Hoành

Chào các bạn,

Chúng ta nói thường đến “một chiều”, nhưng có lẽ chúng ta không có thói quen tích cực một chiều, mà thường là hai chiều.

Ta không tích cực với người ta chê bai—người ta xem như người xấu, người tồi.

Ta không tích cực với những chuyện ta cho là xấu xí, tồi tệ.

Ta không tích cực với những hoàn cảnh khó khăn.

Nhưng các bạn đừng quên là tích cực đúng đắn không phải là một phản ứng của tâm ta với điều kiện bên ngoài, mà là một thái độ thường trực của tâm. Người CÓ MÁU tích cực thì luôn luôn tích cực.

Thấy người làm việc xấu việc tồi thì tích cực làm việc tốt để có thể ảnh hưởng tốt đến người.

Thấy có chuyện xấu xí tồi tệ thì làm việc tốt để chuyện xấu xí tồi tệ giảm bớt.

Thấy hoàn cảnh khó khăn thì ta tích cực làm việc để khắc phục khó khăn.

Người tích cực luôn luôn tích cực. Tích cực khi có chuyện vui, khi có chuyện buồn, khi gặp hoàn cảnh tốt, khi gặp hoàn cảnh xấu, khi gặp người thiện, khi gặp kẻ ác.

Luôn luôn tích cực. Luôn luôn thở oxy.

Tích cực một chiều.

Chúc các bạn một ngày tích cực.

Mến,

Hoành

27
Th6
12

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Chấp nhận đau đớn để chống tham nhũng thành công

TT – Với phong cách gần gũi, cởi mở, bao giờ Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng sẵn lòng dành cho báo chí những cuộc trò chuyện thẳng thắn trước nhiều vấn đề “nóng” của đất nước, được đông đảo cử tri quan tâm.
Ngay sau hai buổi tiếp xúc cử tri hôm thứ bảy (23-6), Chủ tịch nước dành cho Tuổi Trẻ cuộc trò chuyện, cũng là những lời chân tình với cử tri.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang – Ảnh: Viễn Sự

Chủ tịch nước nói: “Không khí của cuộc tiếp xúc cử tri chiều thứ bảy tại Ủy ban MTTQ VN TP.HCM là khá “nóng”. “Nóng” là phải thôi. Và chính cái “nóng” đó (những ý kiến phát biểu) đã phản ánh được hơi thở của cuộc sống, của đời sống dân sinh, dân chủ ở thực tại”.

Không được bỏ qua bất kỳ biểu hiện tham nhũng nào

“Tôi nghe khá nhiều dư luận về một số trường hợp cán bộ có thu nhập bất thường, sang tận Singapore mua hết biệt thự này đến biệt thự kia, nhưng cũng chưa có điều kiện để kiểm tra, kết luận thực hư như thế nào”

Chủ tịch nước TRƯƠNG TẤN SANG

* Thưa Chủ tịch nước, nhiều cử tri bất bình trước những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, thiếu gương mẫu của một bộ phận người có chức vụ cao. Sự việc xôn xao gần đây là vụ xây dựng nhà cửa “hoành tráng” của con trai bí thư Tỉnh ủy Hải Dương. Nhiều cử tri cho rằng với đồng lương của cán bộ, công chức như hiện nay sẽ rất khó làm được cơ ngơi như thế…

– Tôi đã nhiều lần chia sẻ chân tình với cử tri, nếu chống tham nhũng không thành công thì việc thực hiện nghị quyết trung ương 4 – một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay – đang rất được nhân dân trông đợi sẽ không thể thành công được. Anh không thể nói trước nhân dân rằng mình không suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, trong khi lại tham nhũng, tiêu cực và do vậy, dân cũng sẽ không thể tin bộ máy được trong sạch. Chống tham nhũng thành công thì những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống chắc hẳn sẽ tốt dần lên.

Còn việc kiểm soát, minh bạch tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức là chuyện đại sự. Gốc gác của vấn đề này nằm ở chỗ hiện còn sử dụng tiền mặt quá lớn trong nền kinh tế. Ðể giải quyết căn cơ hơn, nhất định phải thay đổi phương thức giao dịch này, phải thu hẹp dần, thay vào đó là thanh toán, giao dịch qua ngân hàng. Phương thức này được cho là hiệu quả để có thể kiểm soát được các “giao dịch ngầm”. Chúng ta luôn mong muốn hạn chế bị ăn cắp, ăn trộm, bòn rút của công hay các giao dịch vì mục đích tiêu cực, nhưng với chế độ sử dụng tiền mặt đại trà như hiện nay sẽ không thể kiểm soát, thậm chí tham nhũng sẽ ngày càng tệ hại hơn.

Với trường hợp cụ thể liên quan đến gia đình anh Quyến (ông Bùi Thanh Quyến, ủy viên Trung ương Ðảng, bí thư Tỉnh ủy Hải Dương) thì Ủy ban Kiểm tra trung ương đang kiểm tra. Báo chí nêu nhiều như thế, nhưng thực tế ra sao phải chờ kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương. Cho đến giờ này, ngoài thông tin báo chí nêu, tôi chưa nhận được thông tin gì khác ở trường hợp nêu trên, nên phải chờ kết quả kiểm tra xem cái gì đã xảy ra ở đó.

* Nhưng thưa Chủ tịch nước, từ vụ việc cụ thể như vậy, nhiều ý kiến đặt vấn đề tính thực chất, hiệu quả của biện pháp kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức?

– Quy định về vấn đề này đã có rồi, nhưng thực tế cũng chưa đảm bảo hiệu quả như mong muốn và tính thực chất của việc kiểm soát tài sản, thu nhập bằng biện pháp kê khai này. Chúng tôi năm nào cũng kê khai. Sắp tới đây cũng sẽ công khai các kê khai này tại nơi cư trú, nơi công tác của cán bộ, công chức.

Tuy nhiên, khi nền kinh tế còn sử dụng tiền mặt đại trà, thì vẫn rất lo ngại sẽ còn tình trạng giấu giếm tài sản, thu nhập bất chính, chưa kể tình trạng rửa tiền thông qua kênh bất động sản, chứng khoán, ngân hàng thương mại… Trong khi đó, hiệu quả của một số biện pháp kiểm soát như đã áp dụng còn hạn chế. Ðó là điều rất rõ, nên cần phải thay đổi, bổ sung biện pháp kiểm soát hữu hiệu hơn.

Về lâu dài, phải hạn chế tối đa sử dụng tiền mặt trong các giao dịch để có thể khống chế, kiểm soát được các “giao dịch ngầm”, các khoản thu nhập không rõ nguồn gốc.

Nếu người ta biếu nhau bằng nhà, đất, xe cộ… thì có thể kiểm soát được bằng biện pháp kê khai, công khai để tổ chức, nhân dân giám sát, khó có thể che đậy được tai mắt của dư luận, báo chí. Nhưng nếu họ biếu nhau bằng tiền thì sẽ rất khó khăn để kiểm soát trong điều kiện hiện nay.

Tuy nhiên, trước hết là những gì đã phơi bày trong cuộc sống, người dân, báo chí phản ánh thì nhất định phải được làm rõ, có kết luận và công khai để nhân dân biết. Tại cuộc tiếp xúc cử tri ở Ủy ban MTTQ VN TP.HCM hôm thứ bảy vừa qua, có một ý kiến phản ảnh về một cán bộ cấp cao được cấp đến mấy suất đất. Hay một ý kiến khác nói rằng có trường hợp “chiêu đãi” đoàn thanh tra của trung ương trước khi kết thúc công việc bằng một đêm “vui vẻ” với các cô gái xinh đẹp tại khách sạn…

Tôi đã cử ngay cán bộ đến tiếp xúc với những người phản ảnh công khai hai trường hợp trên để phối hợp với cơ quan chức năng làm rõ, trả lời kết quả cho cử tri. Hằng ngày có nhiều thông tin phản ảnh như thế. Nói tóm lại, đừng bỏ qua và nhất định không được bỏ qua bất kỳ dư luận nào, nếu dư luận nêu đúng thì phải xử lý, nếu nói sai cũng phải được thanh minh cho rõ ràng, trả lại sự trong sạch cho những cá nhân, tập thể bị phản ảnh không đúng.

“Tôi muốn nghe sự thật”

* Trở lại không khí của buổi tiếp xúc cử tri tại Ủy ban MTTQ VN TP.HCM, đa số ý kiến nêu bức xúc, có lúc gay gắt, ít thấy lời khen. Có ý kiến e ngại không khí đó làm cho tình hình đất nước thêm phần nặng nề, thiếu phấn khởi, kém đi phần tươi sáng… Riêng cảm nhận của Chủ tịch nước như thế nào về bầu không khí đó?

– Tôi không thấy có những lời lẽ nào khó nghe, mà thậm chí tất cả đều là những lời cần nghe. Tôi muốn nghe sự thật chứ không phải đến và mất thời gian để nghe những lời hoa mỹ, không đúng sự thật.

Tôi là đại biểu của dân, phải nghe để hiểu lòng dân đang muốn gì ở Ðảng, ở Nhà nước, ở các nhà lãnh đạo đất nước, ở hiện tại và trong tương lai của đất nước. Với tôi, không có gì lấy làm khó nghe, mà ngược lại thấy rất thích thú. Cái gì đúng cần được ghi nhận, biểu dương. Cái gì cô bác cử tri, báo chí chê trách đúng, cần nghiêm túc tiếp thu, sửa chữa.

Cuộc sống đang diễn ra như thế nào thì cần nói thế đó, không được quy kết thế này thế kia và như vậy không phải là người đại biểu của dân. Những gì dân còn muốn nói với người đại biểu của mình, muốn lãnh đạo biết, hay các phản ánh của báo chí thì suy cho cùng những ý kiến đó cũng nhằm mong muốn phản ánh sự thật, phản ánh những điều nóng bỏng của cuộc sống, mong muốn sớm được giải quyết, chứ không có ý làm cho vấn đề nóng lên hay làm phức tạp thêm.

* Thưa Chủ tịch nước, hội nghị trung ương 5 đã đưa ra quyết sách mạnh mẽ là thay đổi cách tổ chức bộ máy phòng chống tham nhũng, cụ thể là Ðảng trực tiếp nắm giữ thẩm quyền chỉ đạo, điều hành bộ máy này. Với một quyết sách như vậy, người dân có thể trông đợi gì ở kết quả phòng chống tham nhũng?

– Khi đưa ra quyết sách như vậy, trung ương đã có nhiều cân nhắc, tính toán. Với tổ chức bộ máy phòng chống tham nhũng trước đây, sau một khóa thực hiện chức trách của mình, tuy đạt được một số kết quả nhưng mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí thì rõ ràng chưa đạt được như nhân dân mong đợi. Ðại hội XI của Ðảng đã kết luận rất rõ điều này.

Trung ương cũng nhận thấy tổ chức bộ máy phòng chống tham nhũng như vừa qua có phần không thích hợp thì nay cần được thay đổi và tổ chức làm sao để thích hợp hơn. Mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng là nhất quán và không bao giờ thay đổi. Việc thay đổi tổ chức bộ máy chỉ đạo chống tham nhũng cũng là để thực hiện mục tiêu này, tạo được chuyển biến rõ rệt, đáp ứng mong đợi của nhân dân.

Nay Ðảng trực tiếp nắm giữ thẩm quyền chỉ đạo, điều hành và Tổng bí thư là người đứng đầu bộ máy phòng chống tham nhũng. Ban Nội chính của Ðảng được tái lập, cũng là cơ quan thường trực về phòng chống tham nhũng. Với thể chế chính trị của nước ta thì cách tổ chức bộ máy về phòng chống tham nhũng như vậy là mạnh mẽ nhất rồi và “ra tay” cỡ như vậy cũng đã là cao nhất. Nhân dân đang rất trông chờ kết quả từ quyết sách mới.

Mong đồng bào cử tri và cán bộ, đảng viên đều phải tỏ rõ tinh thần trách nhiệm cao, cả báo chí nữa, đóng góp vào công cuộc phòng chống tham nhũng đạt kết quả theo mong đợi của nhân dân. Tôi tin rằng tình hình sẽ có chuyển biến tích cực tới đây.

* Chủ tịch nước đã có lần nói thẳng với cử tri nếu chống tham nhũng không thành công và kết quả cũng chỉ dừng lại ở mức như nhận định lâu nay thì ngay bây giờ đã có thể dự thảo được báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết trung ương 4…

– Dứt khoát phải tiến hành thành công. Ðó là mệnh lệnh của nhân dân. Không thể để nghị quyết trung ương 4 không thành công, là phụ lòng tin của dân, của Ðảng, là không vì lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc. Chúng ta không có con đường nào khác, chỉ có một lựa chọn duy nhất là phải thành công.

Cho dù phải chấp nhận những biện pháp đau đớn cũng phải làm, vì đó là sự sống còn của Ðảng, của chế độ và tương lai tươi sáng của đất nước này.

Nhiều cử tri TP.HCM đã nói thẳng với tôi “một số cán bộ có ăn (hối lộ) thì cũng ăn vừa phải thôi. Ăn hết như thế thì còn đâu để nhân dân ăn”, nghe thật xót xa, đau đớn và xấu hổ. Do vậy, nhất định phải làm trong sạch Ðảng, trong sạch bộ máy nhà nước, không còn cách nào khác.

Công tác quản lý cán bộ có vấn đề

* Tuy nhận trách nhiệm trước Quốc hội, nhưng Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Ðinh La Thăng cho rằng quy trình bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm cục trưởng Cục Hàng hải VN là đúng. Nhiều cử tri rất than phiền về điều này, chưa kể việc ông Dũng dễ dàng trốn thoát… Thưa Chủ tịch nước, quy trình bổ nhiệm có vấn đề hay vấn đề nằm ở chỗ chọn không đúng cán bộ?

– Không thể đổ cho quy trình làm công tác cán bộ được. Quy trình được xây dựng là để lựa chọn những con người có đức, có tài, không phải để chọn những con người hư hỏng. Không thể nói là làm đúng quy trình, nhưng con người được bổ nhiệm đã hư rồi thì còn nói đúng quy trình gì nữa?

Tôi cho rằng trường hợp này là đánh giá không đúng con người. Trước khi bổ nhiệm phải biết rõ con người dự định chọn là tốt hay xấu. Một người đã hư rồi nhưng bảo không hư, đã hỏng rồi nhưng còn lý giải gì nữa, chắc chắn cử tri sẽ không đồng tình. Ở đây cũng cần xem thấu đáo có phải do không biết các sai phạm trước đó hay do bao che nhau.

Trách nhiệm của người bổ nhiệm trong trường hợp này là đánh giá sai con người. Tất nhiên không phải trường hợp bổ nhiệm, đề bạt nào cũng như thế cả. Nhưng ở đây có thể thấy công tác quản lý cán bộ có vấn đề, cán bộ đã hỏng rồi mà không biết. Ðương nhiên người ký quyết định bổ nhiệm trường hợp như thế phải chịu trách nhiệm. Trong quá trình kiểm điểm theo tinh thần của nghị quyết trung ương 4 tới đây chắc chắn những trường hợp như thế sẽ được làm rõ.

QUỐC THANH – VIỄN SỰ thực hiện

27
Th6
12

Nhân ngày Giỗ ông Sáu Dân: Nghĩ về chữ ‘dân’

Tác giả: Tương Lai

Tưởng niệm ông Sáu Dân sau bốn năm ông đã tuyệt đối nằm xuống, nghĩ về chữ “dân” gắn làm một với “dân chủ” phải chăng là một việc nên làm vào lúc này?

Dòng chảy của thời gian với những đợt sóng dồn dập các sự kiện, càng khơi rộng ra khoảng trống vắng từ sự ra đi đột ngột của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt bốn năm trước. Trước những diễn biến của thời cuộc, càng ngẫm ra được sự thiếu vắng của con người ấy. Trong câu chuyện đời thường của bạn bè quanh chén trà bè bạn, một câu nói quen thuộc thường bật ra “Phải chi lúc này còn ông Sáu Dân“.

Thời gian là ân huệ trong sự nghiệt ngã. Câu nói “phải chi” đó thể hiện tâm trạng xã hội, càng làm nổi rõ lên một điều, khi tư tưởng và hình ảnh của một con người đã đi vào lòng dân thì không bao giờ chết cả. Ông vẫn sống trong lòng dân. Điều này mang tính quy luật. Nhưng đã là quy luật thì có gì mới đâu mà phải bàn?

Chẳng phải hai từ nhân dân được đều đều rót vào tai mọi người, khô cổ bỏng họng rao giảng, cứ tưởng như những điều mới “phát hiện” và đem sử dụng như một liều thuốc kích thích khi cần đấy thôi! Ấy vậy mà điều có tính “thiên kinh, địa nghĩa” này đã có từ rất lâu, lâu lắm.

Từ thời Chiến quốc cách nay hơn hai ngàn năm, Mạnh Tử đã từng đưa dân lên trước cả “xã tắc” và “vua” : “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh“. Chẳng những thế, nhà tư tưởng cổ đại được tôn là Á thánh của đạo Nho ấy đã giảng giải câu “ý dân là ý trời” bằng cách viện dẫn “Thiên Thái Thệ” trong “Kinh Thư“:”trời không có mắt có tai, dân nhìn tức là trời nhìn, dân nghe tức là trời nghe” là nghĩa vậy. Ông từng vạch rõ cái tệ tham nhũng của kẻ cầm quyền, kết bè kéo cánh, sống xa hoa trụy lạc “bàn tiệc ê hề tới nỗi mắt không nhìn thấy hết được, tay không gắp hết được, miệng không nếm hết được” để rồi phẫn uất mắng vua Lương Huệ Vương “Bếp vua có thịt béo, tàu ngựa vua có ngựa mập, mà dân thì có sắc đói, đồng ruộng la liệt những kẻ chết đói, như thế khác nào vua sai thú ăn thịt người. Loài thú ăn thịt lẫn nhau người ta còn ghét thay, nay làm cha mẹ dân, cai trị dân mà sai thú ăn thịt người thì có đáng làm cha mẹ dân không? “. Vì thế, ông đòi hỏi “Nhà cầm quyền không thể bỏ lỡ việc sinh nhai của dân… Thường tình của dân là có hằng sản thì mới có hằng tâm. Không có hằng tâm thì…chẳng cái gì là chẳng dám làm, đến khi phạm pháp thì người cầm quyền vin vào đó mà chém giết họ, như vậy không khác gì đặt lưới mà bẫy họ!”. [Đằng Văn Công thượng]

Thì ra từ xa xưa, nhà tư tưởng cổ đại ấy đã khuyến cáo “nhà cầm quyền không thể bỏ lỡ việc sinh nhai của dân”, cũng đã lên án chuyện dùng pháp luật như một thứ công cụ để “đặt lưới mà bẫy dân”để rồi tự tung tự tác, bảo kê, bao che cho nhau để ức hiếp, bóp nặn dân. Điều khác cơ bản nhất so với hiện đại là chữ “dân” của Mạnh Tử là dành cho “thần dân“, là phận “dân đen, con đỏ” cần được dạy dỗ, chở che bởi các đấng “cha mẹ dân“. Khi chữ dân này được các nhà Nho của ta dẫn giải và vận dụng sẽ tiếp tục cái tinh thần truyền bá “dân tâm” nhưng rất kiêng kỵ “dân chủ“.

Dòng chảy của thời gian càng khơi rộng ra khoảng trống vắng từ sự ra đi đột ngột của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt bốn năm trước.

Mạnh Tử cũng như các nhà nho tự nhận mình là thầy là người đỡ đầu cho dân để phụng sự nhà vua tốt đặng làm cha mẹ dân. Mối quan tâm của họ đối với dân trong vị thế là “thần dân“, là lòng nhân ái của bên trên ban phát xuống. Điều oái oăm là, chuyện này được lặp lại với những biến thái mới của thời hiện đại mà chúng ta đang sống. Nhân danh là người làm chủ xã hội mới, điều mà bao hy sinh xương máu của nhiều thế hệ Việt Nam qua cách mạng và kháng chiến rồi xây dựng CNXH mới có được, thì bóng dáng “thần dân” vẫn hiện ra trong cái áo khoác rộng cỡ của “người công dân” .Đáng lý phải là một nhà nước làm công bộc của dân thì dưới nhiều biểu hiện vẫn tỏ ra là “cha mẹ dân” ban phát ân huệ cho dân. Và rồi không hiếm những “thần dân” khi nhận đươc những “ân huệ” nhỏ nhoi thì đã vội thành thật “biết ơn“, cho dù những ân huệ ấy không thấm vào đâu với nghĩa vụ của nhà nước phải làm cho dân. Điều này như một liều thần dược kích thích và dung dưỡng cho sự thoái hóa của một bộ phận không nhỏ những người cầm quyền. Chính trạng thái tâm lý ấy là một biểu hiện rất rõ của “những gì đã cũ kỹ, hư hỏng” cần phải đấu tranh để tạo ra “những cái mới mẻ tốt tươi” mà Bác Hồ nói trong Di chúc. Bác chỉ rõ đó là một “cuộc chiến đấu khổng lồ” *. Mà đúng là “khổng lồ” thật. Tính từ ngày Bác viết những dòng tiên tri ấy, một nửa thế kỷ đã trôi qua, bao nhiêu nước chảy qua cầu, “dân” đã được những gì và còn phải làm gì để giành cho mình quyền được thật sự làm chủ , để thật là dân theo đúng nghĩa mà Tuyên ngôn Độc lập đã trịnh trọng và kiêu hãnh với thế giới : Mỗi người dân Việt Nam đều có “những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.*

Hơn hai phần ba thế kỷ, bao nhiêu xương máu đổ ra với ba cuộc kháng chiến chống xâm lược, bao mồ hôi, nước mắt của người lao động, lao động chân tay và trí óc đổ ra như suối trong sự nghiệp dựng nước sau chiến tranh, cùng với những thành tựu to lớn vẫn còn :”Những người, những hộ đói kinh niên” mà nhà báo lão thành Thái Duy kể ra rành rọt trên số báo “Đại Đoàn Kết” số ra ngày 12.6.2012.

Cũng trong ngày 12.6 ấy, đọc mục “Tâm điểm và Bình luận” trên báo “Nông thôn Ngày nay” sẽ phát hoảng lên với con số 4 tỷ đồng chi cho lễ khởi công cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong! Tại diễn đàn QH đang họp, người ta đưa ra con số 5.000 tỷ tiết kiệm được từ khối cơ quan, 13.000 tỷ tiết kiệm được từ các “quả đấm thép“, tức là các tập đoàn kinh tế, thì thấm tháp gì so với những thất thoát trăm tỷ, ngàn tỷ chỉ ở một tập đoàn!

Chao ôi, chuyên xưa kia Mạnh Tử mắng Lương Huệ Vương “đặt lưới mà bẫy dân” cũng “thấm tháp gì” so với “những cái bẫy” thời hiện đại. Chuyện “bếp vua có thịt béo, tàu ngựa vua có ngựa mập, mà dân thì có sắc đói” cũng “thấm tháp gì” so với những điều vừa nêu!

Nghĩ như vậy mới thấm thía được cái chữ “dân” trong tư duy và trong hành động của ông Sáu Dân cần phải được nhắc lại vào lúc này là cần thiết biết bao. Đúng là thời gian, theo quy luật khắc nghiệt của nó, sẽ xòa mờ đi tất cả; nhưng cũng còn một quy luật khác, mạnh mẽ không kém: có những điều, những con người mà thời gian, ngược lại, sẽ chỉ soi sáng thêm lên, vừa ngày càng rõ ràng, rỡ ràng, vừa như mãi còn bí ẩn. Như ngọn núi kia, càng đứng xa ra mới càng đo được hết tầm cao và chiều sâu. **

Quả thật, “càng đứng ra xa mới càng đo được hết tầm cao và chiều sâu” của con người ấy. Để rồi trong cái “tầm cao” và “chiều sâu” của người cần tiếp tục được khám phá ấy, nếu ngay bây giờ đây thì chỉ một [chữ] thôi thì xin mượn lại ý của Lê Quý Đôn để nói về chữ “dân” trong tư tưởng và trong sự nghiệp của ông Sáu Dân.

Trong “Lời nói cuối sách” của cuốn “Quần thư khảo biện” viết năm 1757, nhà bác học Việt Nam thế kỷ 18 viết: “Kinh Dịch nói: “Biến động trong thiên hạ chính đáng chỉ có một [lý] thôi. Chí lý thay chữ”một”. Lấy chữ “một” ấy mà xuyên suốt mọi việc thì dù bốn bể chính châu cách trở, ngàn xưa trăm đời xa xôi, mọi trao qua đổi lại, mọi xem xét đánh giá đều vẫn rõ ràng như bày ra trước mắt, rành rọt như trỏ bàn tay vây“. Học theo cách nói của nhà bác học Việt Nam thế kỷ XVIII thì có thể nói rằng “lấy chữ DÂN” mà xuyên suốt mọi việc thì “mọi xem xét đánh giá đều vẫn rõ ràng như bày ra trước mắt, rành rọt như trỏ bàn tay vậy“! Chỉ có điều phải hiểu thật rõ chữ “dân” trong tư tưởng và trong toàn bộ sự nghiệp của ông Sáu Dân gắn làm một với “dân chủ“. Chính điều ấy là chìa khóa để giải mã “hiện tượng Võ Văn Kiệt“.

Vì, nói đến dân tộc, trước hếtsau cùng là phải nói đến “dân”. Nói đến sức mạnh đại đoàn kết dân tộc cũng chính là nói đến DÂN, là sự gắn bó, thông cảm, tin tưởng và khoan dung giữa những “người trong một nước phải thương nhau cùng” trong tự tình dân tộc vốn trầm tích trong tâm hồn Việt Nam, truyền thống Việt Nam. Nhờ chân thành lắng nghe ý chí và nguyện vọng của dân, ra sức mở rộng dân chủ để khởi động và phát huy đến mức cao nhất trí tuệ của dân, mà ông có được tầm nhìn vượt xa lên phía trước. Với tầm nhìn ấy, Sáu Dân thường đưa ra những ý tưởng mang tính đột phá có sức gợi mở lớn trên những vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối nội và đối ngoại. Mà “đột phá” được là vì biết tắm mình trong biển cả nhân dân, học được từ dân tính năng động sáng tạo để bồi đắp cho trí tuệ của mình, khiến cho trí óc không bị xơ cứng vì những công thức cũ kỹ cứng nhắc, những giáo điều ẩm mốc đã bị cuộc sống vượt qua. Đột phá được là nhờ thật sự tin dân, học dân, phát huy dân.

Nhờ coi trọng dân, chân thành lắng nghe ý chí và nguyện vọng của dân, khởi động và phát huy đến mức cao nhất sức mạnh của dân mà ông Sáu Dân có được tầm nhìn vượt xa lên phía trước. Cho nên, “chỉ cần một chữ, chữ dân“, hiểu thật rõ “ý dân là ý trời“, chắc rằng mọi diễn biến phức tạp trong đời sống đang hàng ngày hàng giờ đặt ra một cách bức xúc như chuyện đất đai và khiếu kiện, cho đến chuyện Quốc Hội bàn thảo những đạo luật, như Luật phòng chống tham nhũng… thì “mọi trao qua đổi lại, mọi xem xét đánh giá đều vẫn rõ ràng như bày ra trước mắt, rành rọt như trỏ bàn tay vây“.

Với chữ “dân” ấy trong tim trong óc mà ông Sáu Dân quyết “phá rào” khi là người đứng ở vị trí cao nhất thành phố mang tên Bác để rồi người dân Sài Gòn buổi ấy gọi ông là “Ông bí thư phá rào“, là “Ông Chủ tịch gạo“, tháo gỡ những ách tắc, rào cản mở đường cho kinh tế thành phố đi tới. Và rồi với “Văn phòng kinh tế của Bí thư Thành ủy“, “Câu lạc bộ Giám đốc” để trực tiếp chỉ đạo và tác động đến cách làm kinh tế thuận với quy luật. Rồi “Nhóm thứ Sáu” được ra đời để góp phần nghiên cứu về giá lương tiền, về cải tổ ngân hàng, phát triển ngoại thương, về khu chế xuất.., những chuyện không dễ dàng chút nào! Nếu không có một nỗi lo thường trực về đời sống cơ cực của người dân bị trói chặt trong cái xiềng của kế hoạch hóa tập trung bao cấp, sản phẩm tai hại của đầu óc bảo thủ chật kín những tín điều ẩm mốc rêu phong thì không thể có những quyết sách được xem là mạo hiểm ấy.

Từ cách suy nghĩ và cách hành động của ông Sáu Dân nổi rõ một chân lý : Có phát huy dân chủ mới phát hiện và quy tụ được hiền tài, làm bừng nở trí tuệ và tài năng của mỗi người Việt Nam trong và ngoài nước, trước hết là của thế hệ trẻ, nguồn sinh lực của Tổ quốc. Có vậy mới tìm ra được giải pháp cho mọi tình huống. Từ cuộc sống nhẫn nại và quyết liệt của đồng bào mình, ông tiếp thu những nét thâm thúy và mộc mạc hòa quyện trong sự thông tuệ dân gian thấm đẫm chất văn hóa. Cùng với cái đó là những cố gắng tự làm giàu trí tuệ của mình bằng sự học hỏi và lắng nghe chuyên gia, những trí thức mà ông thật lòng quý trọng. Đó là suối nguồn bất tận làm nên một nhân cách văn hóa Sáu Dân, vừa có sự dung dị nhưng không kém sâu lắng, vừa bộc trực, hồn nhiên nhưng không thiếu phần minh triết và tế nhị trong ứng xử, trong quyết sách, những điều thể hiện một tầm vóc Võ Văn Kiệt.

Tưởng niệm ông Sáu Dân sau bốn năm ông đã tuyệt đối nằm xuống, nghĩ về chữ “dân” gắn làm một với “dân chủ” phải chăng là một việc nên làm vào lúc này?

_____________

* Hồ Chí Minh Toàn tập. Tập 12, NXBCTQG. Hà Nội 1996. tr.505,

** Võ Văn Kiệt. Người thắp lửa. NXB Trẻ. 2010, tr.310, tr.193

26
Th6
12

Truyền thông của người Việt

Trần Đình Hoành

Chào các bạn,

Rất thường xuyên chúng ta nghe tin một quan chức nào đó những lạm chuyện gì đó rất lớn, và các cập chỉ huy của người đó hầu như chẳng biết gì cà. Tạm thời đặt qua một bên vấn đề trách nhiệm của thủ trưởng trong một tổ chức, rất có thể vấn đề chính là yếu kém về communication, tức là truyền thông giữa hai người hay nhiều người. Nếu so sánh với nhiều quốc gia khác, nhất là các quốc gia với nền kinh tế cao, người Việt ta rất yếu về communication.

• Trong communication của người Việt, im lặng là cách truyền thông chính.

Nếu ta chỉ ra cho một người thân một lỗi gì đó của người đó, ta thường nhận lại sự im lặng. Im lặng đó có thể có rất nhiều nghĩa khác nhau: nhận lỗi, nhận lỗi và vui vẻ, nhận lỗi nhưng bực mình, cóc cần, cóc cần và giận…

Sự im lặng đó, do đó, chẳng nói lên gì cả, ngoại trừ một điều duy nhất: im lặng.

Nếu ta đang bàn công việc, và người đang bàn gặp khó khăn gì đó trong cách bàn tính của ta, thì người đó có thể… im lặng, cho đến khi người đó tháo gở khó khăn (có thể là nhiều tháng sau đó), hay im lặng vĩnh viễn. Trong thời gian chờ đợi, ta chẳng biết điều gì đã và đang xảy ra cả.

Nếu đến ngày hẹn theo lịch và người đó chưa xong việc như hẹn, thì người đó im lặng… và ta chẳng biết điều gì đang xảy ra.

Nếu ta nói điều gì đó mà người đó không đồng ý, thì người đó im lặng… và lẵng lặng làm ngược điều ta nói (theo kiểu “quan nói mặc quan, luật nói mặc luật, dân làm dân cứ làm”).

Nếu ta nói điều gì đó mà người đó đồng ý, thì người đó im lặng… và ta chẳng biết gì cả.

Nếu ta nói hay làm điều gì đó mà người đó không hài lòng, thì người đó im lặng… và ta chẳng biết gì cả.

• Lúc nào cũng “yes”.

Mục đích chính của “yes” là làm vui lòng người ta lúc đó, còn đúng sai thì để đó tính sau.

“Mọi người đồng ý hết chứ?” Chẳng ai nói “không” cả, nhưng thực ra có thể là 9/10 số người có mặt chẳng đồng ý chút nào.

“Em nắm vững vấn đề này chưa?” “Vâng”. Nhưng chữ “vâng” đó có thể là chưa nắm được gì cả.

“Em có thể làm xong trong vòng một tuần không?” “Vâng”, dù rằng trong đầu đang tính tới một tháng.

• Thường nói ngược với sự thật.

Những chuyên gia và nhà đầu tư nước ngoài thường có một câu nói hài về Việt nam thường xuyên nhất: “If they tell me ‘don’t worry’ about something, then I start to worry about that thing.”

• Thường truyền thông kiểu “bí mật”.

Tức là trong team có thể có đến 10 người, và một người biết thông tin gì đó nhưng chẳng nói gì cho 9 người kia biết cả, hoặc nói cho chỉ một hai người trong team, và những người kia thì mù tịt.

Ngươì Việt thường có thói quen không nói, hoặc nói cho chỉ một hai người, và khi nào có ngoại lệ gì đó thì mới nói cho cả team. Có thể đây là cách truyền thông kiều tình báo thời chiến tranh, dành cho các vụ việc rất nhạy cảm cần bí mật càng nhiều càng tốt. Nhưng trong mọi việc hàng ngày, quy luật nên là “Nói cho tất cả mọi người biết mọi điều, trừ khi có lý do phải giới hạn thông tin nào nó trong một số nhỏ”.

• Thường thông tin kiểu cá nhân hay phe nhóm.

Trong cả nhóm thì quy luật là bất cứ điều gì cũng nên nói cho cả nhóm biết, ngoại trừ những việc chỉ có thể nói với một hai người.

Trong một nhóm Việt thì thường là chúng ta làm ngược lại. Nói chỉ với một hai người. Năm thì mười họa với nói cho cả nhóm biết. Cho nên, thường là cả nhóm cứ như là người mù vì thiếu thông tin.

Ngay trong hành chánh nhà nước cũng thế, thông tin rất thiếu thốn cho dân. Năm thì mười họa dân mới được thông tin đầy đủ cho một vấn đề. Còn đa phần là chỉ một hai ông nhà nước nói chuyện với nhau, và dân thì mù tịt.

• Truyền thông mù mờ,

Như là:

“Ờ, để đó tôi lo cho”. Nếu nói rõ ra tôi sẽ làm gì–như là,tôi sẽ đến văn phòng UBND trình bày chuyện nayf cho chị–thì tốt hơn.

“Vâng, chẳng có vấn đề gì phải quan tâm cả”. Nhưng nếu đã có vấn đề thì tốt hơn là nói rõ vấn đề ra, để người kia xác định là họ có cần quan tâm không, thì tốt hơn.

• Các bạn, đây là một số những điểm yếu kém trong thói quen truyền thông của người Việt. Các thói quen này làm teamwork của chúng ta rất yếu, và quản lý cũng rất yếu. Càng ngày chúng ta sẽ phải làm việc với nhau như một team–cả trường là một team, cả nước là một team–để tranh đấu kinh tế với thế giới trong thời đại toàn cầu hóa này.

Chúng ta sẽ phải rất giỏi teamwork, dù đó là team lớn hay nhỏ. Cho nên chúng ta phải tập quen nói chuyện chính xác, rõ ràng, nói với càng nhiều người trong team càng tốt. Truyền thông là khí cụ số 1 của teamwork. Ta phải rất giỏi truyền thông thì teamwork của ta mới tốt được.

Chúc các bạn một ngày truyền thông tốt.

Mến,

Hoành

22
Th6
12

Học làm ‘quan’

Tác giả: Trần Huy Thuận
 

Có vị trả lời tỉnh queo: Những chuyện thua lỗ, thất thoát ấy… tôi không biết, vì không được báo cáo! Không hiểu vị này nghĩ sao khi trả lời như vậy.

1. Chuyện xưa. Vua chúa tiếng là “cha truyền con nối” nhưng rất coi trọng việc dạy bảo các hoàng tử. Những thày giáo tuyển vào cung đều là những vị học rộng và đức cao, mẫu mực trong thiên hạ. Nên rất nhiều vua kế vị, dù tuổi rất trẻ nhưng đã vận hành bộ máy quyền lực một cách trôi chảy, đúng đạo, hợp lý, hợp lòng dân, giữ gìn được vị thế quốc gia, được các đại thần và bách quan quy phục, khiến ngoại bang kính nể.

Vua Duy Tân là một điển hình gần nhất.

Sau khi phế truất vua cha, người Pháp chọn đưa hoàng tử thứ 8 Nguyễn Phúc Vĩnh San lên nối ngôi (lúc ấy ngài mới 8 tuổi – thực chất là 7 tuổi) với hy vọng rằng ngài quá trẻ, dễ sai khiến. Nhưng chỉ 1 ngày sau khi lên ngôi, Duy Tân đã thể hiện phẩm chất của mình khiến nhà báo Pháp phải thốt lên: “.Un jour de trône a complètement changé la figure d’un enfant de 8 ans” (Một ngày lên ngai vàng đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt của cậu bé lên tám“.

Ảnh tư liệu.

Khoảng năm 1912, Khâm sứ Georges Marie Joseph Mahé mở một chiến dịch tìm vàng ráo riết. Mahé lấy tượng vàng đúc từ thời chúa Minh Nguyễn Phúc Chu trên tháp Phước Duyên chùa Thiên Mụ, đào lăng Vua Tự Đức và đào xới lung tung trong Đại Nội để tìm vàng. Vua Duy Tân phản đối quyết liệt những hành động thô bạo đó, nhưng Mahé vẫn làm ngơ. Duy Tân ra lệnh đóng cửa cung không tiếp ai. Toà Khâm sứ Pháp làm áp lực với nhà vua thì Duy Tân đe đọa sẽ tuyệt giao với các nhà đương cục ở Huế lúc bấy giờ. Cuối cùng Toàn quyền Albert Pierre Sarraut từ Hà Nội phải vào giải quyết vua Duy Tân mới cho mở Hoàng thành.

Năm vua Duy Tân 13 tuổi, ông xem lại những hiệp ước mà hai nước Việt-Pháp đã ký. Nhà vua cảm thấy việc thi hành của hiệp ước ấy không đúng với những điều kiện mà hai bên đã ký kết với nhau nên một hôm giữa triều đình, nhà vua tỏ ý muốn cử ông Nguyễn Hữu Bài là người giỏi tiếng Pháp sang Pháp để yêu cầu duyệt lại hiệp ước ký năm 1884 (Patenôtre). Nhưng cả triều đình không ai dám nhận chuyến đi đó.

2. Thời hiện đại, Việt Nam có không ít những vị cán bộ đầu ngành, đầu tỉnh có tư tưởng dám nghĩ dám làm, biết dựa vào dân, lấy mục đích đem lại quyền lợi chính đáng cho dân làm mục tiêu công tác. Thế nhưng vẫn có những vị hành xử chưa tương xứng với chức trách.

Xin đơn cử một vài ví dụ.

Ông cán bộ đầu tỉnh nọ khi được thuộc cấp dẫn xem Bảo tàng địa phương, vào phòng trưng bầy lưu niệm, đã thò tay nhặt chiếc gối lên ngó nghiêng – một vi phạm nội quy Bảo tàng. Xem xong, thay vì đặt hiện vật lại đúng vị trí, ông này quăng chiếc gối xuống giường!

Ảnh minh họa

Khi hình ảnh ấy xuất hiện trên truyền hình địa phương, dân chúng và các vị lão thành chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm.

Lại có ông, thăng quan tiến chức liên tục, nhưng cuối đời nhìn lại chả vị trí công tác nào để lại chút “dấu ấn” nào. Suốt mấy chục năm, ông chỉ làm theo sự chỉ đạo của trên và dựa trên quyết định tập thể. (Điều này không sai, nhưng đạo làm quan mà chỉ có thế thì nói như một vị Đại biểu Quốc hội: “Ai chẳng làm được”).

Cái sự thăng tiến của ông có được bởi lẽ không vị trí nào ông để lại tai tiếng, đơn thư, lại được đồng chức, đồng đội tín nhiệm, hay như ông tâm sự lúc cuối đời, “được lòng”, “dễ bảo”.

3. Vừa rồi có vị Bộ trưởng trả lời chất vấn về vấn đề mình phụ trách mà cứ “lúng túng như thợ (may) vụng mất kim”, nói năng như “gà mắc tóc”!

Lại có vị trả lời tỉnh queo: Những chuyện thua lỗ, thất thoát ấy… tôi không biết, vì không được báo cáo!

Không hiểu ông nghĩ sao khi trả lời như vậy.

Có vị đề ra chính sách: Địa phương ta không được tuyển sinh viên tốt nghiệp đại học tại chức, nhưng lại cho đề bạt “thạc sĩ tại chức”, bởi lý do đơn giản là con của quan vốn “đại học tại chức” nhưng nay đã có bằng trên đại học… “tại chức”!

Nạn con ông cháu cha đã được thừa nhận, như điều “trái tai gai mắt”, chẳng ai nói ra. Hệ quả của vấn nạn ấy là xã hội có lớp quan chức mà “một bộ phận không nắm được chức trách, không biết làm việc” như sơ kết của Bộ Nội vụ mới đây.

Không ít vị trí là chiếc “ghế phụ” bên cạnh “ghế bố” trong các toa xe đông hành khách.

Lại nhớ, khi Trần Thủ Độ bị phu nhân hối thúc cất nhắc con cháu làm chức này chức khác, ông trả lời: “Được, nhưng chúng sẽ phải chặt đi 1 ngón tay để phân biệt với người có tài có đức”!

Lại nhớ lời Bác dạy: “Ðảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng” (Toàn tập, ST, 1984, T4, trang 463).

Nghị quyết Trung ương 4 đã ra. Đợt tự kiểm điểm phê bình đang diễn ra. Chỉ mong không chỉ có họp mà còn hành, không chỉ nói theo mà còn làm theo.

22
Th6
12

Tác phong kinh doanh

Trần Đình Hoành

Chào các bạn,

Hôm nay trong bản tin các nữ sinh làm nghề nhậu thuê, có đoạn: một đại gia có máu mặt trong giới bất động sản ở Hà Nội, chia sẻ: “Một số cuộc nhậu nhẹt, ký kết hợp đồng làm ăn bây giờ nếu không có một vài cô gái xinh đẹp, mồi rượu thì kém vui. Tiếp đối tác mà không có chân dài châm tửu thì mất sự trân trọng”.

Chính các thái độ làm ăn kinh doanh như thế tạo cho Việt Nam một môi trường kinh doanh rất thiếu trật tự, thiếu nghiêm chỉnh, và trong nhiều trường hợp… thiếu đạo đức, và không đáng tin cậy. Các “đại gia” này làm ăn như là kiểu “tiểu gia” mới có được một chút tiền và chẳng biết truyền thống kinh doanh chân thật của thế giới.

Trong môi trường kinh doanh chân chính, người ta dù có thết đãi ăn uống, thì người ta cũng phải có cung cách kinh doanh đứng đắn, chẳng hề có chuyện chân dài chân ngắn, đừng nói là chân dài châm rượu. Đối với người Âu Mỹ, dùng chân dài và rượu để làm kinh doanh thường có nghĩa là ta có vẻ rất mafia, có lẽ sản phẩm của ta rất tồi, và sự thành thật của ta có dấu hỏi, ta mới làm kinh doanh kiểu đó.

Hãy nhìn Bill Gates, kinh doanh đứng đắn và bỏ cả hơn 500 triệu đô vào quỹ xã hội giúp đở người nghèo trên thế giới. Đó là đại gia thật sự. Và ở Mỹ, người làm kinh doanh kiểu Bill Gates là bình thường, số đông, chỉ là họ không nổi tiếng như Bill Gates.

Các công ty và đại gia, ký hợp đồng cả 100 triệu đô la, thường khi cũng chỉ ở văn phòng, uống cà phê làm việc, không đi ra ngoài bao giờ, đừng nói là chân dài chân ngắn, và rượu.

Không phải tự nhiên mà Âu Mỹ thành cường thịnh. Âu Mỹ cường thịnh vì đại đa số người làm việc đều rất nghiêm chỉnh trong việc làm của họ. Làm việc kiểu chân dài và rượu thì sẽ được chính công ty của mình sa thải mình ngay.

Các bạn đọc báo nghe các tin về các “đại gia” Việt như thế thì đừng hiểu lầm rằng đó là cung cách làm ăn của các đại gia trên thế giới. Các cậu kém văn mình mới có một chút tiền thì mới làm ăn kiểu thiếu văn hóa như vậy.

Nếu các bạn muốn sau này làm việc hay làm ăn với các đại gia thứ thật của thế giới bên ngoài thì hãy có tác phong làm việc nghiêm chỉnh và văn minh ngay từ bây giờ. Đừng học tác phong của những người ngớ ngẩn. Làm việc kiểu các “đại gia” ngớ ngẩn và kém văn minh như thế thì chẳng ai đối xử nghiêm chỉnh với bạn về việc gì cả.

Chúc các bạn một ngày thông tuệ.

Mến,

Hoành

21
Th6
12

‘Báo cáo Thủ tướng chênh lệch 1 tỷ USD’

Theo BBC Tiếng Việt

PetroVietnam dẫn đầu doanh nghiệp nhà nước về nợ (72300 tỷ VND, hay 3.45 tỷ đôla).

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam – PVN) phản bác thông tin nói họ quên nộp ngân sách trên 21.000 tỷ đồng và nói đã báo cáo Thủ tướng Dũng và đang chờ ý kiến chỉ đạo.

Phản hồi của PVN được đưa ra sau bài báo của tờ Tuổi trẻ ngày 15/06 nói rằng so với tổng lãi dầu khí nước chủ nhà được hưởng trong ba năm 2009-2011 trừ đi số tiền Quốc hội đồng ý cho đầu tư trở lại PVN, số tiền PVN thực nộp vẫn thiếu tới trên 19.300 tỉ đồng – tương đương gần 1 tỉ USD”.

Bài báo thứ hai của tờ Tuổi Trẻ vào ngày 16/06 cho biết “tổng số tiền đến nay mà Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp này phải nộp lên đến 21.678 tỉ đồng và Bộ này yêu cầu PVN phải nộp vào ngân sách nhà nước trước ngày 24-6”.

Báo Tiền Phong dẫn lời giới lãnh đạo PVN mô tả điều họ gọi là “Thông tin trên báo chí về việc tập đoàn quên nộp số tiền trên chưa hẳn chính xác”.

“Tập đoàn đã có văn bản báo cáo gửi Ban Tuyên giáo Trung Ương về vụ việc”.

Phó Tổng giám đốc PVN, ông Lê Minh Hồng được báo Tiền Phong dẫn lời nói “tập đoàn đã thực hiện nộp ngân sách nhà nước và giữ lại theo đúng quy định. Hàng năm số liệu về nộp và để lại tiền lãi dầu khí đã được các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra và xác nhận.”

“Tiền lãi dầu khí thu được từ liên doanh dầu khí Vietsopetro và các hợp đồng chia sản phẩm được nộp vào ngân sách nhà nước 50%, còn lại 50% được nộp về Công ty Mẹ -Tập đoàn để đầu tư vào các dự án trọng điểm về dầu khí (theo Điều 18, Nghị định 142)”, ông Hồng nói.

Tuổi Trẻ trong khi đó dẫn lời kinh tế gia Lê Đăng Doanh tỏ ra “băn khoăn” vì số tiền PVN giữ lại chưa nộp là không nhỏ, hiện được sử dụng vào mục đích gì và ai sẽ giám sát?

Truyền thông trong nước đưa tin đại diện PVN nói tập đoàn đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đang chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về khoản chênh lệch này.

‘Phát sinh thực tế’

Ông Đinh La Thăng lãnh đạo PetroVietnam trong giai đoạn 2006-2011.

Đại diện PVN giải thích phát sinh số tiền “chênh lệch” này là do giá dầu kế hoạch (64USD/thùng) và giá dầu thực tế (cao nhất trên 140USD/thùng).

“Điều này, cùng với điều được gọi là “biến động tỷ giá” khiến có chênh lệch giữa tiền lãi thực thu được để lại cho PVN sử dụng và dự toán ngân sách nhà nước giao cho PVN”.

Điều 18 Nghị định 142/2007/NĐ-CP của Chính phủ nói rằng PVN phải nộp trực tiếp vào ngân sách khi phát sinh thực tế 50% tiền lãi.

Như vậy là hiện tồn tại sự khác biệt về quan điểm diễn giải nghị định này giữa PVN và ít nhất là báo Tuổi Trẻ.

Báo này cũng bình luận rằng “Việc PVN hiện chưa nộp cho thấy doanh nghiệp này đang cố ý làm sai quy định nghị quyết Quốc hội và Luật ngân sách dù đã nhận được văn bản yêu cầu của Bộ Tài chính”.

“Không có việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam “quên” nộp như Báo Tuổi Trẻ đã nêu. “

Báo Petrotimes

Điều 3 Nghị định 142 nói Bộ trưởng Bộ Tài chính chịu trách nhiệm kiểm tra việc thi hành Quy chế quản lý tài chính của PVN.

Điểm cũng cần làm rõ là tại sao Bộ Tài Chính phải gửi văn bản yêu cầu PVN rà soát số tiền lãi nếu, theo khẳng định của lãnh đạo PVN, không có sự khác biệt nào trong nhận thức giữa tập đoàn này và Bộ Tài Chính.

Ngoài nghị định này Bộ Tài chính cũng ra một thông tư hướng dẫn vệc xây dựng kế hoạch thu, chi và sử dụng một phần ngoại tệ phải nộp Ngân sách nhà nước của PVN.

Thông tư 115/2011/TT-BTC “nói Bộ Tài chính quyết định cụ thể mức ngoại tệ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được sử dụng hàng năm từ nguồn thu ngoại tệ nộp Ngân sách nhà nước sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước”.

Báo Petrotimes nói Tập đoàn Dầu khí này luôn là đơn vị nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước và ở nhóm dẫn đầu khối các doanh nghiệp với tỷ trọng nộp từ 25% – 30% tổng thu ngân sách hàng năm.

Tuy nhiên theo Đề án Tái cơ cấu Doanh nghiệp Nhà nước, tính đến tháng Chín 2011, PVN dẫn đầu doanh nghiệp nhà nước về thực trạng vay nợ (72.300 tỷ đồng, 3.45 tỷ đôla).

21
Th6
12

Tha lỗi chính mình

Trần Đình Hoành

mistake

Chào các bạn,

Có lẽ là người mà ta cư xử nghiêm khắc và khó khăn nhất trên thế giới không phải là con cái hay học trò hay kẻ thù, mà là chính ta. Đôi khi ta làm một lỗi lầm nào đó, ta ân hận, đau đớn, và mang cảm giác tội lỗi rất nhiều năm. Và mặc dù là ta có thể tha lỗi cho ai đó dễ dàng, hình như ta vẫn không thể nào tha lỗi cho chính mình được.

Đôi khi đó là một lỗi lầm lớn, nhưng thường khi đó là chuyện rất nhỏ. Dù vậy ta vẫn không bỏ qua cho ta được. Và những khi như thế chúng ta thường ân hận, đôi khi xỉ vả chính mình, và thường khi mất cả tự tin vào mình.

Trong những biến cố lớn trong đời, ví dụ một tai nạn nào đó mà người thân cùng đi với mình bị chết nhưng mình thoát chết, ta có thể có những câu hỏi qui lỗi về mình như “Bửa đó nếu mình không rủ chị đi chơi thì chị đâu có chết” hoặc “Nếu hôm đó mình phản ứng nhanh một tí thì chị đâu có chết.” Cảm giác phạm tội có thể theo ta suốt đời, và hành động như một mũi gai thường xuyên châm chích trong tim. Rất khó mà vui vẻ và tích cực với một cảm giác như thế trong tâm.

Trong đời sống của chúng ta đã có những lời hứa ta hứa với một vài người, và những người đó đã chết trước khi ta có cơ hội thực hiện lời hứa. Những thất bại trong việc thực hiện lời hứa đó (mình không muốn dùng từ “thất hứa”) có thể làm ta buồn và ân hận nhiều năm.

Dù thật sự có lỗi hay không có lỗi, ta vẫn thường có cảm giác có lỗi. Ngoài cảm giác có tội, chúng ta còn có thêm cảm giác bất toàn và yếu đuối. Đây cũng là đầu mối của sự mất tự tin của người lớn. Thông thường trẻ em rất tự tin, và càng trẻ chúng ta càng nhiều tự tin. Khi bắt đầu lớn, chung đụng với đời, ta gặp hết thất bại này đến lỗi lầm kia, Mỗi lần như thế ta thấy mình yếu đuối và bất toàn. Nếu những cảm giác này cứ nằm ì ra đó, lâu ngày, nhiều thất bại và lầm lỗi nữa xảy ra, các cảm giác yếu đuối và bất toàn càng ngày càng chồng chất như núi, và đè tự tin của ta đến ngợp thở mà chết.

imsorry
Trước khi biết tha thứ cho người, ta phải biết tha thứ cho chính mình. Các truyền thống tâm linh đều hiểu được đây là một điểm rất quan trọng cho đời sống tinh thần khỏe mạnh của ta, nên đều có câu giải đáp. Trong truyền thống Thiên chúa giáo thì “Nếu chúng ta thú tội, [Thượng đế], giữ lời hứa và công chính, sẽ tha lỗi cho ta và rửa ta khỏi mọi tội lỗi.” 1 John 1:9. Trong Phật giáo, khi ta làm xấu đương nhiên là sẽ mang đến nghiệp chướng xấu do nhân quả, nhưng nếu gìn giữ tâm Bồ đề, tức là tâm yêu người, thì ta sẽ giác ngộ và xa lìa được các khổ đau do tội lỗi gây ra.

Dù là ngôn ngữ khác nhau và đôi khi có tính cách thần bí, vấn đề rất đơn giản—Ta phải có cách gạt sạch những lỗi lầm quá khứ khỏi quả tim mình, để mình có thể “làm lại từ đầu” với một con tim toàn vẹn và tích cực. Bài học cho các tín đồ ở đây là, nếu Chúa và Phật tha lỗi cho mình, xóa sổ cho mình, thì chẳng có lý do gì chính mình cứ phải nắm sổ tội của mình hằng ngày.

Trên lý luận thực tế thì dù ta có lỗi hay không có lỗi, chuyện cũng đã xảy ra rồi, không quay ngược bánh xe thời gian để mà xóa đi được. Vậy thì, nằm đó ôm ấm nỗi đau cũng chẳng được gì, có tự đánh mình 100 năm nữa thì cũng chẳng làm được gì. Thôi thì, lỗi hay không lỗi, cũng cứ vui vẻ dẹp nó qua một bên để còn làm việc khác, để còn sống tích cực hơn.

Thay vì cứ ngồi ì ra đó với cảm giác tội lỗi ngập đầu, thì tốt hơn là ta cứ tha lỗi cho mình, rồi vui vẻ tích cực làm gì đó, ngay cả làm việc để sửa chữa những hư hỏng mà ta đã tạo ra. Nếu ta đã gây ra tai nạn chết người mẹ, thì hãy tìm cách làm việc hăng hái tích cực để có thể giúp đỡ các đứa con côi của bà ta thì hay hơn.

Tha lỗi, dù là Thượng đế tha lỗi cho ta hay chính ta tha lỗi cho ta, chỉ làm cho quả tim ta trong sạch và manh mẽ trở lại, nhưng không lấy đi trách nhiệm xã hội cho hành động của mình. Nếu ta ăn trộm và ta hối lỗi thật, Chúa có thể tha thứ, và ta có thể tha thứ cho ta, nhưng chẳng lẽ ta không chịu trả lại đồ trộm sao? Đó là trách nhiệm xã hội ta phải làm ở mức tối thiểu. Mức cao hơn có thể là những hình phạt xã hội nếu ta bị luật pháp truy tố. Và lỡ bị truy tố, thì cứ vui vẻ nhận hình phạt. Có vay thì có trả. Chẳng có lý do gì mà phải đau lòng. Tuy nhiên, nếu mức trách nhiệm xã hội tối thiểu—trả lại đồ trộm–mà ta không làm, thì ta cũng nên hỏi lại lòng mình là ta có thực sự hối lỗi không và Chúa có tha thứ cho ta không? Và trong trường hợp đó, liệu con tim của chính ta có chịu tha thứ cho ta không.

Đây không phải chỉ là bài học luân lý cho các ông già bà già trong nhà thờ và chùa, các bạn ạ. Chúng ta đang nói rằng chúng ta không thể tích cực được nếu các cảm giác tội lỗi và bất toàn cứ chồng chất trong ý thức và tiềm thức của ta ngày này qua tháng nọ. Lâu ngày, chúng sẽ quá nặng và đè tự tin của ta đến nghẹt thở mà chết. Đó là lý do tại sao người càng lớn thì càng ít tự tin hơn người trẻ. Muốn đống rác đó biến mất ta phải làm hai điều:

1. Dẹp bỏ quá khứ để có thể tự tha thứ mình.

2. Lãnh nhận trách nhiệm xã hội do lỗi lầm của mình gây ra.

Như vậy thì ta mới có thể vui vẻ tích cực để sống hăng hái được, dù đã lỡ phạm tội tày trời.

Chúc các bạn một ngày vui vẻ.

Mến,
Hoành




Lượng người truy cập

  • 84 582 hits

Bài được xem nhiều nhất

  • Trống
Tháng Sáu 2012
H B T N S B C
 123
45678910
11121314151617
18192021222324
252627282930