Archive for Tháng Năm, 2012

31
Th5
12

Tư duy như người đứng đầu

Trần Đình Hoành

Chào các bạn,

Nếu bạn đã từng đứng đầu trong lĩnh vực nào đó—trong lớp học, trong một môn nghệ thuật, trong một nghề nghiệp, trong một cuộc thi–thì bạn sẽ hiểu tư duy như người đứng đầu có nghĩa là gì.

Người đứng đầu không tự nhiên mà đứng đầu, nhưng đã thường xuyên cố gắng đưa chất lượng công việc của mình lên mức chất lượng đứng đầu.

Người đứng đầu có thói quen đo lường sức mình bằng con số 1. Đứng đầu là mình đã làm việc OK. Rớt xuống thứ hai là yếu.

Đây là loại người mà người ta nói là “cầu toàn” (perfectionist), muốn điều gì cũng phải hoàn toàn, tuyệt vời.

Và đó là điều tốt, các bạn. Chính vì chúng ta cầu toàn mà chúng ta luôn luôn muốn phát triển chính mình—từ các lĩnh vực khoa học, nghệ thuật, thương mãi, đến tâm lình.

Trong thế giới nhiều cạnh tranh này, những người sẽ đưa đất nước và đồng bào đi lên sẽ là những người cầu toàn, luôn luôn thúc đẩy chính mình và cơ quan của mình lên hàng số một…

… Miễn là (1) bạn khiêm tốn và (2) không quá khó khăn với mình và mọi người chung quanh.

* Người ta thường nghĩ người đứng đầu và muốn đứng đầu là người kiêu căng. Nhưng sự thật có thể khác. Người đã quen đứng đầu thường là it kiêu căng, vì số 1 đối với họ chỉ là bình thường như là ăn sáng, chẳng có gì đặc biệt để mà kiêu căng.

Nhưng nếu bạn đang ở số 1 và kiêu căng, thì bạn nên điều chỉnh lại cho đúng thái độ và tác phong khiêm tốn của người số 1.

Cầu toàn về phẩm chất của chính mình cũng như công việc/sản phẩm của mình là việc nên làm, và đó chẳng là kiêu căng. Đó chỉ là cầu tiến, là tinh tấn (dùng từ ngữ Phật gia)

Kiêu căng chỉ là khi bạn xem bạn cao hơn những người khác, xem người khác như thấp hơn mình, tồi hơn mình…

Thúc đẩy mình làm việc với chất lượng cao nhất, đó không phải là kiêu căng, mà chính là tiến bộ và phát triển.

* Nhưng người cầu toàn có thể quá khó khăn với chính mình và mọi người.

Đối với chinh mình, khi mình cố hết sức mà không được đứng đầu, thì đừng stress. “Đứng đầu” chỉ là một loại bằng chứng, cho mình biết tàm tạm là mình đã cố gắng hết sức. Nhưng nếu cố gắng hết sức mà đứng thứ 10 thì cũng chẳng sao, đừng stress. Chẳng lý do gì mà thiên hạ không thể có nhiều người hơn mình, dù mình đã cố hết sức. Nếu họ hơn mình, mình sẽ học được nhiều từ họ, đó là cái lợi cho mình.

Đối với người khác, nhất là những người làm việc cho bạn, nếu người ta là người chỉ thích tà tà, không muốn làm đến mức số 1, thì hãy cho người ta làm như thế, nếu có thể. Đôi khi trong một team tất cả mọi người đầu phải nhanh và mạnh, thì không thể có người nào tà tà được. Vậy thì không dùng được người tà tà. Nhưng nếu đã dùng họ, thì đừng đẩy người ta quá điều người ta muốn. Không phải ai cũng muốn làm việc đến mức số 1.

Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều nên chú tâm vào thúc đẩy mình làm việc với chất lượng cao nhất, dù ta không cần phải là số 1. Chất lượng cao nhất của công việc của ta sẽ đưa ta đến thành công, cũng như giúp đất nước của chúng ta thành công.

Act like a queen and they will treat you like a queen.

Đòi hỏi chất lượng cao nhất từ chính mình, để đất nước ta có thể lên hàng chất lượng cao nhất, và thế giới sẽ cư xử với chúng ta như là những người làm việc với chất lượng cao nhất, của một quốc gia làm việc với chất lượng cao nhất.

Nước ta sẽ chẳng đi đến đâu nếu đa số chúng ta làm việc theo kiểu cho hết giờ, chứ không phải cho hết mức tiến.

Và nếu bạn đã cố gắng hết mức, mà không được số 1, thì cũng chẳng sao. Điều quan trọng là ta đã cố gắng hết mức.

Chúc các bạn một ngày chất lượng.

Mến,

Hoành

30
Th5
12

Những nhánh sông chia

Trần Đình Hoành

Chào các bạn,

Trong liên hệ con người chúng ta thường thấy những đổ vỡ–giữa bố mẹ con cái, vợ chồng, bạn bè, người yêu… Hầu như chuyện đổ vỡ là chuyện đương nhiên, và chúng ta chấp nhận đổ vỡ là chuyện đương nhiên. Đủ thứ l‎ý do, nhưng nói chung thì trong quan hệ giữa hai người, đổ vỡ có thể là do hành động của chỉ một bên hoặc, thông thường hơn, là hành động của cả hai bên.

Chúng ta nói “hành động” mà không nói lỗi phải, vì trong đa số các trường hợp, đó chưa hẳn là lỗi phải mà chỉ là từ từ mỗi người đi một nhánh đường, rồi tư duy có thể trở thành quá khác nhau.

Đôi khi đổ vỡ có thể vì l‎ý do người ta làm tốt, như là trong một đám người trộm cắp tự nhiên có một người nhất quyết không hành nghề trộm cắp nữa, thế là bị tất cả nhưng người còn lại tẩy chay, thấm chí “xử tội.”

Những đổ vỡ tình cảm, dù là lý do gì, cũng thường đưa đến nhiều chua chát và cay đắng trong lòng. Và đó là vấn đề: Chúng ta thường bức xúc về nhau mãi mãi, sau khi có những đổ vỡ tình cảm.

Đời như những nhánh sông, khi thì phân, khi thì hợp. Rất khó nói. Những tình cảm đổ vỡ luôn làm cho ta hối tiếc, và có thể làm ta đau đớn phẫn nộ đến mức xem người kia như kẻ thù, hay ít nhất là người đáng ghét. Rất lâu năm.

Những người tin vào nghiệp duyên, thường được bình an với những đổ vỡ, vì họ cho đó là nghiệp duyên, không vì ai mà phải giận.

Nhưng dù là chúng ta không tin vào nghiệp duyên mà chỉ tin vào hậu quả của tư duy và hành động của “người kia” (và “tôi chẳng làm gì sai cả”), thì ít nhất ta cũng nến hiểu rằng cuộc đời là một dòng sông dài uốn khúc, khi hợp khi chia. Đó là tự nhiên. Cho nên nếu đã lỡ đổ vỡ một liên hệ tình cảm, một cuộc tình, thì dù là buồn thật đó, hãy xem đó như một áng mây đẹp đã trôi qua.

Và người kia là một mảnh đời đẹp của ta trong dĩ vãng. Và đã góp phần vào việc giúp ta trưởng thành như ngày hôm nay.

Tất cả những mảnh đời đi qua đời ta đều là một mảnh của đời ta.

Đó cũng là yêu người vô điều kiện.

Chúc các bạn một ngày lành lặn.

Mến,

Hoành

29
Th5
12

Kiên trì

Trần Đình Hoành

Chào các bạn,

Chúng ta nói “kiên trì thì sẽ đến đích”. Câu này rất dễ hiểu: Cứ nhắm đích mà tiến, không ngừng, thì một lúc nào đó ta sẽ đến đích. Và chính ta cũng cảm nhận được điều đó khá dễ dàng: Nếu tôi có đủ thời gian, tôi có thể đi bộ vòng một vòng trái đất.

Điều khó hiểu là tại sao có quá nhiều người trên thế giới không đủ kiên trì?

Chúng ta không kiên trì vì nhiều lý do:

1. Lý do đầu tiên là không có mục tiêu chắc chắn.

Hôm nay nói đi Sài Gòn, ngày mai đổi ý đi Cần Thơ, ngày mốt lại muốn đi Hà Nội. Đổi ý liền tù tì thế thì kiên trì cùng lắm là được một ngày.

Kiên trì cần một mục tiêu dài hạn: Như là thành bác sĩ giải phẩu tim rất giỏi, hay làm chủ một công ty kinh doanh máy vi tính lớn.

      i. Mục tiêu dài hạn càng cụ thể thì càng tốt: Như là, “làm chủ một doanh nghiệp xuất cảng cà phê” thì cụ thể hơn là “làm chủ một công ty.”

ii. Cần một l‎ý tưởng cao cả bên sau mục tiêu dài hạn. Như là, làm kinh doanh để giúp phát triển kinh tế nước nhà, hay làm kinh doanh để giúp người nghèo có công ăn việc làm.

L‎ý tưởng là để cho ta sức mạnh để đi đường dài và chịu đựng mọi gian khổ. Mục tiêu dài hạn có thể cho ta nhiều động lực, nhưng nếu không có l‎ý tưởng các động lực đó có thể không đủ mạnh để giúp ta đứng vững trước những khó khăn.

iii. Cần các mục tiêu ngắn hạn để tiến đến mục tiêu dài hạn. Nếu mục tiêu dài hạn là làm chủ tiệm phở. Thì các mục tiêu ngắn hạn có thể là: 1 năm đầu—tìm ra công thức nấu phở đến mức các bạn bè và người thân đều hối thúc ta mở tiệm phở, 1 năm sau—nghiên cứu cách nấu ngon như thế nhưng với giá thành cực thấp, 1 năm nữa để tìm nơi thuê mở một tiệm nhỏ xíu, 3 năm sau sẽ làm một tiệm lớn tại nơi l‎ý tưởng nhất, 10 năm sau có 15 cửa tiệm.

Mục tiêu dài hạn là điểm đến cuối cùng. Như ta ở Hà Nội và định điểm đến dài hạn là Sài Gòn.

Các mục tiêu ngắn hạn là các trạm ngừng dọc đường. Như Hà Tĩnh, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Thuận.

Lý tưởng là xăng cho đầu máy xe lửa.

2. Chúng ta mất kiên trì vì bị khó khăn làm mất tinh thần.

Ví dụ: Mới nghiên cứu công thức nấu phở, và mời bạn bè ăn thử được 2 lần, không được tán thưởng mạnh như mình nghĩ, là đã bỏ cuộc.

Hay đã tìm ra công thức nấu ăn tốt nhưng không có tiền mở tiệm bèn bỏ ý tưởng.

Sự thật là trong kiên trì đã có khó khăn. Nếu không có khó khăn sao lại gọi là kiên trì? Nếu theo một cô mà mới mở miệng nói ra nửa câu cô ấy đã theo mình rồi, thì sao lại gọi là “anh kiên trì theo đuổi em”?

Kiên trì có nghĩa là dù khó khăn nào đến trước mặt, ta cũng phải tìm cách để vượt qua.

3. Chúng ta mất kiên trì vì bị những lời “khuyên răn” và “tư vấn” tiêu cực của người khác làm ta nản lòng.

Lời “nói ra” của người khác—dù là “khuyên răn” hay “tư vấn”, dù là vì ganh tị hay vì yêu ta, dù có ‎ý tốt hay lòng xấu—đều là dream killer (sát thủ của những giấc mơ) số 1.

Những lời khuyên như “Mục tiêu đó quá khó đối với bạn”, “Làm điều đó thì được gì”, “Những chuyện ruồi bu vô ích”, “Chỉ người điên mới làm việc đó”, đều nằm trong nhóm sát thủ ta cần loại ra khỏi đầu.

Các lời khuyên như thế, dù nghe có lý cách nào đều là vô lý. Chỉ có 2 loại lời khuyên hữu lý:

      i. Hay lắm, bạn cứ gắng đi. Có gì mình giúp được một tay thì cho mình biết.

ii. Mục tiêu của bạn rất hay. Mình ủng hộ hết mình. Đó là mục tiêu dài hạn. Có lẽ nên chia ra thành các mục tiêu ngắn hạn để tiến tới một cách khoa học thì dễ thành hơn. (Hay các tư vấn tích cực tương tự)

Để được kiên trì, chúng ta cần phải vượt qua ba khó khăn bên trên. Tức là ta phải: (1) Có lý‎ tưởng, mục tiêu dài hạn, và các mục tiêu ngắn hạn; (2) Bất cứ khó khăn gì đến ta cũng phải tìm cách vượt qua; Và (3) gạt những lời tiêu cực của những người khác ra ngoài tai.

Chúc các bạn một ngày kiên trì

Mến,

Hoành

28
Th5
12

‘Dũng cảm’ mới dám đầu tư ở VN?

Tờ báo tài chính hàng đầu của Anh, The Financial Times, nhìn nhận kinh tế Việt Nam trong mấy tháng đầu năm có những tín hiệu đáng mừng nhưng vẫn còn nhiều vấn đề lẩn quất.

Một trong những tin tốt lành là lạm phát, theo các dữ liệu được công bố hôm thứ Năm, đã chỉ còn một chữ số, giảm từ 10,5% trong tháng Tư xuống còn 8,5% trong tháng Năm.

Đây là lần đầu tiên trong gần hai năm qua lạm phát ở Việt Nam thoát khỏi cảnh hai chữ số.

Nhưng mức tăng giá cả tiêu dùng thấp cũng có cái giá của nó.

Tăng trưởng thấp

The Financial Times (FT) nói kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng 4% trong ba tháng đầu tiên của năm 2013 so với 5,9% và 6,8% tương ứng trong cùng kỳ năm 2011 và 2010.

Báo tài chính Anh trích lời ngân hàng HSBC dự báo rằng lãi suất ở Việt Nam sẽ giảm xuống trong vòng hai tuần tới sau khi lạm phát không tăng trong hai tháng qua.

Một tín hiệu đáng mừng khác, theo FT, là thâm hụt thương mại có vẻ đang giảm với số liệu trong tháng Tư cho thấy xuất khẩu tăng 22% nhưng nhập khẩu chỉ tăng có 4,4%.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng 1,6% hôm thứ Sáu trước các tin tức kinh tế khả quan hơn và từ đầu năm tới nay chứng khoán Việt Nam đã tăng tổng cộng 25%.

Tiền đồng cũng tăng giá 1% trong khi hầu hết các đồng tiền Châu Á khác đều giảm.

Một số chuyên gia tài chính cho rằng triển vọng cho các nhà đầu tư sáng sủa hơn vì Ngân hàng Nhà nước dưới quyền của tân Thống đốc Nguyễn Văn Bình sẽ có chính sách tiền tệ ổn định hơn.

Dragon Capital thậm chí cho rằng những tín hiệu lạc quan trong đầu năm 2012 cho thấy Việt Nam đã từ một nước ở ‘ngoại biên’ thành một nước đang ‘trỗi dậy’.

Mặc dù vậy, FT nói các nhà đầu tư vẫn đứng trước nhiều thách thức khi đầu tư vào Việt Nam.

Kinh tế Việt Nam ước tính sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 5,6%, khá khiêm tốn so với các năm trước.

Việc tái cơ cấu kinh tế ở Việt Nam còn chậm do quá trình cổ phần hóa đình trệ và doanh nghiệp nhà nước vẫn chi phối nền kinh tế.

Các doanh nghiệp tư nhân trong khi đó tiếp tục than phiền về thủ tục hành chính nhiêu khê.

Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, tiền đồng vẫn khó chuyển đổi và việc chuyển tiền ra khỏi Việt Nam cũng khó khăn.

FT kết thúc bài viết bằng nhận định: “Tính hấp dẫn của Việt Nam có thể là sự ngắt mạch khỏi thị trường toàn cầu. Nhưng sự ngắt mạch này là có lý do: đầu tư vào Việt Nam chỉ dành cho những người dũng cảm.”

Theo BBC Tiếng Việt.

28
Th5
12

Cờ đến tay thì phất

Trần Đình Hoành

Chào các bạn,

Cờ đến tay thì phất. Cơ hội đến tay thì phải nắm lấy. Nói thì dễ làm thì khó, vì rất thường khi cờ đến tay mà ta không biết. Cơ hội ít khi đến với trống kèn rầm rộ, mà thường đến trong tiếng thì thầm.

Một người bạn của ta có bố là chủ một doanh nghiệp lớn. Đó chính là cơ hội tốt cho ta tìm việc, nếu bạn ta tin rằng ta sẽ là một nhân viên tốt, đáng tin cậy.

Thầy của ta vừa gặp lại người bạn cũ đang làm kinh doanh. Người bạn nói đang cần một trợ lý tốt. Nếu thầy của ta tin vào năng lực của ta, thì đó có thể thành cơ hội cho ta.

Ta đang làm tiếp viên trong quán ăn, một người khách vào ăn, được ta tiếp đãi ân cần. Người khách nói muốn tìm một tiệm sách mua một quyển sách, ta nói: “Cháu biết tiệm đó, và có thể chỉ đường cho bác. Nhưng đường đi ngoằn ngoèo, rất dễ lạc. Còn 10 phút nữa cháu xong ca rồi. Nếu bác có thể đợi cháu xong, cháu sẽ dẫn đường cho bác.” Mua xong qu‎yển sách, ông khách hỏi ta có muốn vào làm việc trong công ty của ông không.

Ta được học bổng ở Manila hai tuần. Bạn của bố nói, “Cháu có rãnh đến thăm bạn của bác ở Manila”. Ta rất bận, nhưng cũng cố ghé vào thăm, và ta được bác ấy mời làm việc với công ty của bác ở Manila.

Một người quen nhờ ta làm vài việc vặt. Ta làm tử tế, nhanh chóng, và chính xác. Một năm sau người ấy nhờ ta xem giúp văn phòng mới mở trong thành phố ta ở.

Công ty ta mới vào làm, mọi người làm việc hấp tấp, vội vã, bề bộn… có vẻ rất bất trật tự. Nhưng rất có thể đó là một công ty đang chiến đấu rất mạnh và đang làm ra rất nhiều tiền, và chẳng ai có thì giờ lo cho mọi sự ngăn nắp. Những cái bề bộn đó đang đợi ta, người nhân viên mới, trổ tài quản lý giúp cho chúng có trật tự và ngăn nắp hơn. Tức là, các thứ bất trật tự của công ty không phải là thứ để ta phàn nàn, mà chính là cơ hội thăng tiến của ta.

Các bạn, tất cả những ví dụ trên là chuyện xảy ra hàng ngày trong thương trường và chính trường. Cơ hội đến không qua các kỳ thi cử rầm rộ, mà qua (1) uy tín và lòng tin mà bạn bè và người thân quen đã có sẵn đối với ta và (2) những cuộc “thi tuyển” qua cách được nhờ làm gì đó, thường là rất vặt vãnh.

Rất, rất, rất nhiều người đánh mất nhiều cơ hội như thế này, vì họ không hiểu cơ hội thường đến hàng ngày trong tiếng thì thầm.

Hồi mình đang học luật, một buổi chiều, giờ tan sở, đang đứng đợi xe buýt ở trạm xe, mình thấy một ông cụ đứng đợi xe cạnh mình. Mình nói chuyện làm quen với ông cụ và hỏi “What line of work are you in?” Ông cụ nói: “I am the chief judge in this court”, và đưa tay chỉ về phía tòa án. Mình nói, “Vậy thì hay quá, tôi là sinh viên luật, ông có việc cho tôi làm không?” Ông chánh án nói: “Tôi có rất nhiều việc anh có thể làm, nhưng tôi không có ngân sách để trả lương”. Mình nói, “Tôi không cần lương. Tôi chỉ cần làm việc để lấy kinh nghiệm”. Thế là mình được làm law clerk, soạn thảo các phán quyết cho các vụ kiện của ông chánh án. Đây là việc không phải sinh viên luật nào cũng được làm, rất tốt cho resume sau này.

Đứng gần ông cụ và nhận ra ông ấy là chánh án, chính là cờ đến tay trong tiếng thì thầm. Mình phải khai thác ngay và tạo cơ hội để ông ấy cho mình việc làm. Đó là phất.

Các bạn, cơ hội thường ở quanh ta và “đụng” ta rất nhẹ, hàng ngày như thế.

1. Thường là cách sống của ta hàng ngày với người thân quen đã tự quảng cáo cho ta. Cho nên hãy sống tích cực, khiêm tốn, thành thật, yêu người và làm việc cẩn thận để moi người chung quanh ta tự động quảng cáo cho ta.

2. Khi làm việc hoặc được ai nhờ, dù việc rất nhỏ, hãy làm cho tốt, nhất là những việc rất nhỏ, coi như không đáng để ta làm. Đó là những cái test rất lớn.

3. Và thấy bóng dáng cờ, thì phải sáng tạo và phất ngay tức thì.

Chúc các bạn một ngày cờ bay.

Mến,

Hoành

26
Th5
12

Hiến pháp và quyền chất vấn Chính phủ

Nguyễn Sỹ Phương *
   Đề án “tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động Quốc hội“ với đề xuất, “Quốc hội sẽ tăng cường hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn“… may mắn ra đời đúng vào giai đoạn sửa đổi Hiến pháp. Bởi quyền và khả năng chất vấn chính phủ hoàn toàn do Hiến pháp định đoạt, một khi không giải quyết được từ nền tảng gốc rễ này, thì đề án có đặt ra mục tiêu cao cả, biện pháp thần kỳ tới mấy, cũng không thể vượt qua giới hạn Hiến pháp cho phép, tức không khả thi, giá trị chỉ như một bản luận án khoa học thuần túy.
Quyền chất vấn chính phủ được hiến định gián tiếp ở nhiều nước, hoặc trực tiếp như Hiến pháp nước ta năm 1992, điều 98 quy định: Đại biểu Quốc hội có “quyền” chất vấn tất cả, từ “Chủ tịch nước” tới cấp thấp nhất “các tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang”. Phiá được chất vấn “phải“ trả lời. Hiến pháp Trung Quốc năm 1982, điều 73 cũng tương tự, chỉ khác phạm vi hẹp hơn, giới hạn chỉ trong “phiên họp“ và chỉ nhắm vào chính phủ cùng các bộ và ủy ban (như thực tế các phiên chất vấn ở Quộc hội ta hiện nay). Hiến pháp Đức hiện hành, điều 43, còn đi xa hơn không chỉ nói mà cả hành động: “Quốc hội và các Ủy ban có thể đòi bất cứ thành viên nào của chính phủ hiện diện“.Khác với người dân được phép làm tất cả chỉ trừ những gì luật pháp cấm, Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước chỉ được làm những gì luật pháp cho phép, do đó để thực hiện được quyền chất vấn hiến định cần đưa ra được những chuẩn mực, thước đo, quy tắc xử sự của một văn bản pháp lý buộc cả hai phiá chất vấn và bị chất vấn phải tự động thực hiện nếu không sẽ bị chế tài (điều kiện cần).

Có thể  nhận thấy điều kiện cần đó qua thiết chế cơ quan lập pháp Đức, về quyền chất vấn hiến định, Luật Hoạt động Quốc hội Đức quy định thi hành chi tiết, với những chuẩn mực, thước đo, quy tắc xử sự, chặt chẽ, không thể thực hiện khác đi theo động cơ hay nhận thức chủ quan cá nhân, hoặc bởi bất cứ áp lực nào. Phụ lục 4, Mục 1, Quyền chất vấn, quy định: Mỗi tuần họp Quốc hội đều có phiên chất vấn không quá 180 phút, mỗi nghị sỹ có quyền đặt tối đa 2 câu hỏi, mỗi câu không qúa 2 điểm, yêu cầu chính phủ trả lời miệng. Câu hỏi và trả lời phải ngắn, đi vào vụ việc cụ thể, không được nhận xét đánh giá chung chung. Người hỏi có quyền lục vấn tiếp người trả lời không qúa 2 câu. Người điều khiển phiên họp chỉ được phép cắt câu hỏi lục vấn khi không liên quan tới câu hỏi chính. Mục 2: Thủ tục đặt câu hỏi: Câu hỏi phải gửi Chủ tịch Quốc hội trước 10 giờ ngày thứ 6 của tuần họp trước , đồng gửi Chính phủ trước 12 giờ, và chỉ được đưa vào nghị trình khi thoả mãn đòi hỏi ở mục 1. Những câu hỏi khẩn cấp phải trình trước 12 giờ của ngày trước đó. Mục 3: Chủ tịch Quốc hội mời chất vấn theo số thứ tự câu hỏi và tên người hỏi. Những câu hỏi khẩn cấp sẽ ưu tiên trước. Câu hỏi chỉ được trả lời miệng khi có mặt người hỏi; nếu không, sẽ được trả lời bằng văn bản nếu người hỏi đề nghị trước phiên họp với Chủ tịch Quốc hội. Những câu hỏi hết thời gian trả lời, Chính phủ phải trả lời bằng văn bản, cũng được đưa vào biên bản cuộc họp. Mục 4: Câu hỏi bằng văn bản: Mỗi Nghị sỹ có quyền, mỗi tháng gửi Chính phủ tối đa 4 câu hỏi, và Chính phủ trả lời bằng văn bản sau khi nhận trong vòng 1 tuần. Nếu quá thời hạn trả lời, người hỏi có thể đòi phải trả lời miệng đầu tiên trong phiên chất vấn tiếp đó. Nếu Chính phủ trả lời kịp trước khi chất vấn, thì tại phiên chất vấn phải giải thích lý do chậm trễ. Phụ lục 7: Quyền tìm hiểu công việc Chính phủ, được quy định tiến hành vào thứ 4 tuần họp, từ 13 giờ – 13 giờ 30. Nghị sỹ được phép hỏi miệng không cần gửi câu hỏi trước như phiên chất vấn, để biết về những vấn đề bàn thảo trong cuộc họp định kỳ hàng tuần của Chính phủ trước đó. Trước khi bắt đầu, đại diện Chính phủ được nói lời mở đầu, nếu có người yêu cầu, không quá 5 phút.

Với những chuẩn mực pháp lý đong đo đếm được trên, trong năm 2011, nghị sỹ Đức đã chất vấn Chính phủ tới 6.545 câu hỏi, tính ra mỗi nghị sỹ chất vấn Chính phủ trên 10 câu trong 1 năm, chưa kể các câu lục vấn.

Quyền chất vấn được hiến định, luật hoá, chỉ mới là tiền đề, tức điều kiện cần, muốn thực hiện được phải có điều kiện đủ, tức Quốc hội phải đủ khả năng, thực lực thực hiện quyền chất vấn đó, nếu không sẽ “lực bất tòng tâm“. Muốn biết thực lực Quốc hội cỡ bao nhiểu là đủ so với quyền chất vấn đặt ra trong đề án “tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động Quốc hội“, cần phải lượng hoá được điểm xuất phát thực lực Quốc hội ta hiện nay, trong các mối quan hệ so sánh.

Quyền chất vấn được hiến định, luật hoá, chỉ mới là tiền đề, tức điều kiện cần, muốn thực hiện được phải có điều kiện đủ, tức Quốc hội phải đủ khả năng, thực lực thực hiện quyền chất vấn đó, nếu không sẽ “lực bất tòng tâm“.

Khối lượng lập pháp 5 năm nhiệm kỳ trước, Quốc hội ta ban hành được 68 luật và 12 nghị quyết, tương đương 20 văn bản lập pháp / năm. Để hình dung độ lớn của nó, có thể tham khảo con số đó ở Đức tương đồng dân số và diện tích như nước ta. Cùng nhiệm kỳ đó, Quốc hội  họ thông qua tới 101 luật, gấp chừng 505 % nước ta. Để có kết qủa trên, họ phải họp 69 phiên toàn thể, bình quân mỗi tháng 5 phiên, mỗi tuần hơn 1 phiên với ít nhất 1 buổi chất vấn, chưa kể chất vấn tại các ủy ban; ở ta số phiên họp chỉ giới hạn trong 2 kỳ tập trung của 1 năm, với mỗi kỳ chỉ 1 phiên chất vấn, ước bằng khoảng 2/69 của họ.

Sự khác nhau về công sức bỏ ra và kết qủa đạt được ở trên, bắt nguồn trực tiếp từ tương quan so sánh thực lực 2 bên. Quốc hội ta chỉ có 494 đại biểu, trong đó lại chỉ có 100 đại biểu chuyên trách, nếu quy đổi thời lượng làm việc 2 kiêm nhiệm tối đa bằng 1 chuyên trách, thì thực tế chỉ còn 297 đại biểu, chưa bằng một nửa so với Đức 622 nghị sỹ. Nếu lấy lịch làm việc quy đổi, quốc hội Đức làm việc liên tục 11 tháng (trừ nghỉ phép 1 tháng), mỗi tháng 2,25 tuần họp liên tục, so với quốc hội ta chỉ làm việc tập trung 2 tháng x 4,5 tuần/tháng, thì thời lượng Quốc hội họ làm việc gấp gần 3 lần ta. Nếu cộng chung cả yếu tố chênh lệch số đại biểu, thì thời lượng quốc hội họ làm việc gấp tới 6 lần ta. Đã thế, mỗi nghị sỹ họ được cấp ngân sách đủ trả lương cho 3 trình độ đại học giúp việc / 1 nghị sỹ, nghĩa là qũy thời gian của 1 nghị sỹ họ gấp 4 lần ta chỉ mình đại biểu quốc hội “đơn thương độc mã“. Cộng tiếp yếu tố này, thời lượng họ làm việc nhiều gấp ta ước 24 lần.

Giả sử chất lượng văn bản luật ngang nhau, lấy số văn bản luật 2 bên đã hoàn thành chia cho tổng thời lượng thực hiện, để so sánh, thì năng suất họ chỉ bằng 20% ở ta, nghĩa là nghị sỹ ta nỗ lực gấp họ 4 lần. Ngược lại, nếu giả thiết 2 bên trình độ và nỗ lực ngang nhau, thì do thời lượng chi phí của họ gấp 24 lần ta, nên văn bản luật của họ không chỉ số lượng gấp ta hơn 5 lần, mà chất lượng cũng gấp ta tới 4 lần. Thực tế không thể định lượng tuyệt đối, nhưng chắc chắn tỷ lệ giữa 2 nước phải nằm trong khoảng 2 giới hạn giả định trên.

Nếu điều kiện cần cho đề án, có thể dễ dàng tham khảo chọn lọc văn bản luật pháp các nước tiên tiến, như đưa ra quy định số lượng, thời lượng, trách nhiệm chất vấn và trả lời chất vấn tương tự cách thức của Đức chẳng hạn, thì việc bảo đảm điều kiện đủ, tức để Quốc hội đủ khả năng thực hiện nó, khắc phục thực lực hiện nay như đã dẫn, lại đặt ra hàng loạt vấn đề cải cách thể chế, mà đối tượng đầu tiên chính là bản thân Quốc hội, và trước hết phải bắt đầu từ nền tảng các điều khoản Hiến pháp liên quan. Bởi chính Hiến pháp 1992 đã giới hạn khả năng chất vấn của Quốc hội cả về lực lượng lẫn thời gian. Về thời gian hoạt động của Quốc hội, điều 86 Hiến pháp đã giới hạn sẵn: Quốc hội mỗi năm 2 kỳ họp, vô hình trung đặt Quốc hội vào tình thế bất khả kháng, dù  năng lực ý chí cao tới đâu, cũng không thể chất vấn tầm cấp như Đức cần 11 tháng họp định kỳ. Về lực lượng, đã gọi là Đại biểu Quốc hội, thì họ chỉ đóng vai trò đại biểu, xuất phát từ  bầu cử, chứ không phải toàn những nhà thông thái “tài tử chính trị“, nên cần phải đầu tư công sức thời gian cật lực cho công việc, may ra mới hoàn thành được trọng trách cao cả nhất do cử tri giao phó, nhưng Điều 100 Hiến pháp không thể chế tài họ, mà chỉ có thể kêu gọi tinh thần: “Đại biểu Quốc hội phải dành thời gian để làm nhiệm vụ đại biểu“, xuất phát từ thiết chế Quốc hội cơ cấu Đại biểu không chuyên nghiệp, tức không dùng 100% qũy thời gian làm việc, không sống bằng tiền lương nghị sỹ, làm sao đủ thời gian tâm huyết, để có thể chất vấn “đúng“ và “trúng“ ? Ở Đức lao động thời lượng như vậy được gọi lao động bán phần hay làm thêm. Họ không đủ khả năng và cũng không thể đòi họ đóng vai trò chuyên gia cho công việc đó !

——
* TS. CHLB Đức                                                                                                                        Theo TiaSang.com.vn

26
Th5
12

Ước muốn mà không khổ

Trần Đình Hoành

Chào các bạn,

Nhà Phật nói nguồn gốc của khổ là ham muốn. Nếu ta không còn ham muốn thì không còn khổ.

Đây là điều khó làm. Nếu không còn ham muốn nữa, chắc gì ta còn ham sống, thích sống. Sự thật là các ham muốn, ước muốn, là những mục tiêu thúc đẩy ta hành động để đạt được chúng—bằng cử nhân, công việc tốt, mở cửa hàng—và thế thì đời mới vui, sống động, và tích cực. Không có các ‎ước muốn, các giấc mơ đó để mà đeo đuổi, thì đời có lẽ rất phẳng lặng … như là chết.

Đây là vấn đề lớn của chúng ta. Làm thế nào để theo đuổi các giấc mơ của mình mà không vướng vào vòng khổ lụy như nhà Phật dạy?

Kinh nghiệm cho thấy, “ước muốn” không phải là cái làm cho ta khổ, mà “chấp vào ước muốn” mới là cái làm ta khổ. Ví dụ: Yêu một cô không phải là điều làm ta khổ. Thực sự là yêu là hạnh phúc. Nhưng nếu nàng không còn yêu ta nữa, mà ta lại cứ vướng víu vào tình yêu đó quá đáng, tức là nếu ta chấp vào đó, đến mức ta có thể chết vì mất nàng, hoặc điên tiết đến nổi gây án mạng, thì đó mới là khổ. Nhưng nếu ta dịu dàng để nàng ra đi, bình thản như hai người bạn chia tay, thì dù có hơi buồn, đó cũng không là khổ.

Hầu như chuyện gì trên đời cũng thế. Ta có ước muốn và nỗ lực xây dựng ước muốn—mua một căn nhà, góp đơn cho một công việc, vào lính phục vụ đất nước—thì có là điều rất tích cực. Nhưng nếu không đạt được mục đích, dù có thất vọng một chút, ta cũng không than thân trách phận hay xuống tinh thần, thì đó không là khổ.

Bí quyết là: Đặt mục tiêu ước muốn, và nỗ lực để đạt mục tiêu. Nhưng nếu không được, thì cũng buông xả và không stress. Đó là ước muốn mà không chấp, không khổ.

Bồ tát luôn muốn độ tất cả chúng sinh. Nhưng độ ai được thì được, không độ được thì đó cũng là duyên nghiệp, Bồ tát không stress.

Có những mục tiêu ta cố gắng nhưng không đạt được, không hẳn vì khó mà vì nghiệp duyên hay ‎ý Chúa.

Đây là vấn đề nhiều người chúng ta không hiểu và stress. Ta có mục tiêu ước muốn, và cố gắng đạt nó, không đạt được thì ta stress và cho là đã tốn công dã tràng.

Ví dụ: Ta đặt mục tiêu chạy xe từ Nha Trang vào Sài Gòn. Vì lý do kẹt đường, đến Định Quán thì không đi vào Sài Gòn được, ta đành phải đi Bình Dương. Dù là không đến được Sài Gòn, thì ta cũng đã đi được từ Nha Trang vào Bình Dương, sao gọi là công dã tràng?

Cuộc đời có nhiều biến hóa như thế. Ta đặt mục tiêu A, nhưng rốt cuộc không đạt được A mà lại được B, và thường là B còn hay hơn cả A. Ta bị cô Hồng bỏ và nhờ đó mà gặp cô Hoa và rất hạnh phúc với cô Hoa.

Nhiều khi ta đặt mục tiêu chinh phục của ta, Trời giúp ta một tay, cho nên gần được mục tiêu thì Trời bẻ lái, làm ta phải đi đường khác, không đạt được mục tiêu, nhưng lại đạt được những điều trước đó ta không tính.

Cho nên đạt được mục tiêu hay không, thực sự không phải là điều quan trọng. Điều quan trọng là ta tích cực tiến đến mục tiêu. Và nếu có bị bẻ lái nửa chừng thì cứ đi đường mới, và vui vẻ với những thành quả mới.

Đôi khi Trời đóng một cánh cửa để mở một cánh cửa mới cho ta. Cứ đi vào con đường mới.

Đó chính là ước muốn mà không khổ.

Và có lẽ là ta nên nói: Tôi ước muốn nhưng không ham muốn.

Chúc các bạn một ngày thành công.

Mến,

Hoành

25
Th5
12

Hoa trong sa mạc

Trần Đình Hoành

Chào các bạn,

Nói đến sa mạc là ta nói đến cát và đá. Chẳng ai nghĩ đến cây cối. Nhưng vẫn có các loài xương rồng. Và chẳng ai nghĩ đến hoa trong sa mạc. Nhưng vẫn có các loài hoa xương rồng rất đẹp.

Chúng ta có thể nghĩ rằng trong một môi trường xấu thì mọi điều tốt không phát triển được. Nhưng trong những môi trường khó khăn, cái đẹp thường nổi bật rất rõ giữa những khô cằn, như là đóa hoa xương rồng rực rỡ giữa sa mạc hoang vu.

Đổ lỗi cho môi trường và hoàn cảnh thường là cái cớ để chúng ta giữ thái độ cóc cần, không phấn đấu, và không cải tiến.

Thực sự là nếu ta đang ở trong một môi trường có nhiều tiêu cực, thì ta lại càng cần phải tích cực nhiều hơn, để làm môi trường đó thành tích cực từ từ. Khó khăn thường là l‎ý do để ta làm việc mạnh mẽ và kiên trì hơn. Khó khăn không bao giờ nên là lý do để ta bỏ cuộc.

Ngày trước ông cha ta bị Bắc thuộc cả nghìn năm, rất cuộc vẫn dành lại được độc lập. Đó là khó hơn cả phép lạ. Vì bị đô hộ khoảng chừng 30 năm, đến đời con của mình, là chúng nó có thể thành Tàu hết rồi, đừng nói là 1000 năm. Thế mới biết ông cha ta kiên trì đến thế nào, trong những tình huống khó khăn đến thế nào.

Ngày nay xã hội chúng ta có nhiều tiêu cực (thật sự thì thời nào cũng nhiều tiêu cực), đó chính là l‎ý do ta càng phải tích cực cải thiện bản thân và xã hội của ta từng ngày.

Nếu có một điều chúng ta không nên bằng lòng, đó là nước ta vẫn là một nước nghèo. Nghệ sĩ nước ta có khuynh hướng ca tụng cái nghèo “Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ”. Mình chắc chắn là Phạm Duy không muốn sướng bằng nghề chăn trâu. Chăn trâu nghèo đói là một cái khổ, của những dân quê nghèo và của đất nước. Chúng ta cần phải đưa đất nước chúng ta ra khỏi đói nghèo.

Làm thế nào để chúng ta có thể làm được điều đó?

Trước hết, tích cực. Không tích cực thì chẳng làm được gì cả. Tích cực với chính mình và với đất nước của mình.

Và dù làm gì thì ta cũng cần nhớ một điều là ta đang góp tay vào việc đưa đất nước lên hàng một quốc gia cường thịnh.

Act like a queen and they will treat you like a queen.

Chúc các bạn một ngày tích cực.

Mến,

Hoành

23
Th5
12

Biểu lộ quan tâm

Trần Đình Hoành

Chào các bạn,

Chúng ta thường có cách biểu lộ yêu thương và quan tâm đến một người—người yêu, anh chị em, bạn bè—bằng cách phê phán, cấm đoán và đòi hỏi. Anh để tóc thế không đẹp, cắt ngắn hơn một chút. Em mặc đầm không hay, mặc áo dài cho anh nhé. Anh đừng ăn món này, không tốt cho cơ thể. Anh nói thế chưa đủ mạnh và thu hút, phải lớn tiếng hơn một chút…

Nói chung là cách quan tâm như thế, cộng với thói quen “không khen người thân”, thường làm chúng ta cảm thấy rất stress khi gần người mình yêu thương. Ở xa thì thấy anh/em rất đáng yêu. Yêu rồi thì rất stress.

Chúng ta nên biểu lộ quan tâm cách tích cực hơn, để tình yêu thực sự là thiên đàng.

1. Chú tâm đến hỗ trợ 2, 3 điểm mạnh của một người, đừng quan tâm vào 1000 cái yếu của họ, vì ai cũng chỉ có một vài điểm mạnh và cả nghìn điểm yếu.

2. Chỉ góp ‎ý kiến phê bình khi được hỏi, đừng tình nguyện làm bác sĩ khi bệnh nhân không mời. Tình yêu không phải là giấy phép hành nghề bác sĩ.

3. Và khi được hỏi ‎ ý kiến, như là “Anh thấy giọng hát em được không?”, thì nói điều tích cực trước như “Em hát rất vững nhịp điệu và hơi em rất khỏe”, rồi nói đến điểm yếu sau, một cách tích cực, “Giọng em có lẽ hát nhạc rock thì hay hơn nhạc nhẹ” (vì nhạc nhẹ thì phải có chất giọng rất truyền cảm mới hát được, nhạc rock thì hơi khỏe và nhiều năng lực kích động là được. Nhưng …szzz… không cần phải nói các điều này ra).

4. Đừng bắt người ta làm theo ‎ý mình—như là, anh phải cắt tóc ngắn, em phải mặc áo dài…

Đương nhiên là mình có thể nói điều mình thích—em thấy anh cắt tóc ngắn đẹp trai hơn; anh thấy em mặc áo dài đẹp hơn đầm—nhưng đừng ép buộc. Ép buộc thường dễ làm cho người ta bị stress và buồn chán.

Hơn nữa, cách nói chuyện ấm áp nhất vẫn là: “Em mặc gì cũng đẹp đối với anh”.

Tuy vậy, có những điểm quan trọng ảnh hưởng đến tình cảm, thì hãy nói thẳng cho nhau biết: “Anh mà hút thuốc thì không hôn em được vì em không chịu nổi mùi thuốc. Một là chọn em hai là chọn thuốc.”

5. Khuyến khích người ta phát triển con người của họ theo cách họ thấy thoải mái vui vẻ nhất—từ cách thức ăn mặc, đến chọn nghề nghiệp hay sở làm, hoặc triết l‎ý sống.

Khi nào ta muốn chia sẻ quan niệm sống, thì chia sẻ tư duy của ta, nhưng đừng tấn công tư duy của người kia.

6. Và đừng hà tiện khen. Chẳng có luật nào cấm ta khen người ta yêu thương cả–khen với chính người ấy (“em rất thông minh”), với bạn bè trước mặt người ấy (“Ối giời ơi, IQ của cô này thì cở bằng 2 lần IQ của tớ”), hay sau lưng người ấy (“Cô ấy nói chuyện rất có duyên”).

Hỗ trợ và nâng nhau lên như thế làm cho tình yêu là thiên đàng—dù đó là tình yêu nam nữ hay bè bạn hay anh chị em—và giúp cho người kia phấn khởi để phát triển nhân cách của họ theo cách thích hợp nhất cho họ. Mà không bị “stress vì yêu”.

Chúc các bạn một ngày yêu thương.

Mến,

Hoành

22
Th5
12

Yêu người là thành công

Trần Đình Hoành

Chào các bạn,

Nói đến thông minh, học giỏi… chúng ta thường nghĩ đến IQ, Intelligent Quotient, chỉ số thông minh. Đây là loại chỉ số thiên về lý luận, logic, toán học. Nhưng những năm gần đây, từ quyển Emotional Intelligence của Daniel Goleman, chúng ta biết đến EQ, Emotional Quotient, chỉ số thông minh tình cảm. Và người ta thấy rằng những người thành công trong các lãnh vực đòi hỏi hiểu biết nhiều về con người như là ngoại giao, tiếp thị, lãnh đạo… là những người rất thông mình về tình cảm.

Đây là một khám phá mới cho nền giáo dục thế giới. Nhưng các vị thầy của thế giới đã biết đến và dạy điều đó cả ngàn năm trước rồi. Từ Phật Thích Ca, Khổng Tử đến Chúa Giê Su đều dạy chúng ta yêu người. Càng yêu người nhiều, ta càng hiểu được thế giới quanh ta. Cũng như người trưởng làng nào mà rất yêu mọi người trong làng thì rất hiểu chuyện làng đó, và lãnh đạo làng đó rất tốt. Vua mà yêu dân thì luôn là lãnh đạo tốt cho dân. Ai cũng biết chân lý này.

Chính vì vậy mà chữ “nhân”, “từ bi hỉ xả”, “bác ái” đã luôn luôn đóng vị trí then chốt trong việc đào tạo lãnh đạo, theo các truyền thống Khổng, Phật, Chúa.

Giáo dục thế giới trong mấy thế kỷ gần đây chú trọng thuần túy về lý luận, toán học và kỹ thuật, mà chẳng đặt trọng tâm vào chữ tâm, chữ nhân, một chút nào. Đào tạo ra những thế hệ lãnh đạo rất hời hợt. Chính vì vậy mà thế giới đương đại khám phá lại “thông minh tình cảm” lúc này.

Với sự phát minh của máy tính, đa số mọi tính toán công thức ta có thể chuyển sang máy tính, thì nhu cầu hiểu biết về trái tim con người càng thêm nổi trội.

Khi chúng ta nói về yêu người vô điều kiện, chúng ta không chỉ nói đến việc tu để lên thiên đàng, dù rằng đây là đường mở cánh cửa thiên đàng trong tâm trí chúng ta.

Sự thật là, càng yêu người chúng ta càng thông minh để ứng xử trong đời sống này—với đồng nghiệp, bạn bè, thân chủ, khách hàng, đối tác… Đây là chìa khóa thành công.

Bạn là thần đồng toán nhưng nếu trong ứng xử với mọi người mà ngớ ngẩn, thì một là bạn thất nghiệp, hai là được một việc ngồi trong phòng làm toán cả ngày. Chẳng ai dám cho bạn làm gì mà phải nói chuyện với nhiều người cả.

Cho nên các bạn, hãy yêu người vô điều kiện.

Càng yêu người vô điều kiện, mạng lưới liên hệ của bạn trên thế giới càng rộng.

Càng yêu người vô điều kiện, sự thông mình của bạn về con người càng sâu.

Đó là hai yếu tố thành công trên đời, dù bạn định nghĩa thành công thế nào.

Chúc các bạn một ngày yêu người.

Mến,

Hoành




Lượng người truy cập

  • 84 580 hits

Bài được xem nhiều nhất

  • Trống
Tháng Năm 2012
H B T N S B C
 123456
78910111213
14151617181920
21222324252627
28293031