Archive for Tháng Sáu, 2012



20
Th6
12

Người Việt Nam có hạnh phúc thứ 2 thế giới?

Tác giả: TS. Đào Văn Khanh

Việc xếp hạng cần phải dựa trên những tiêu chí toàn diện và chỉ số chính xác do những tổ chức có uy tín trên thế giới khảo sát và công bố… Việc khảo sát và chọn mẫu phải mang tính đại diện và chọn lọc cao vì khảo sát nhận thức của một người dân bình thường khác hẳn với một chuyên gia.

Mới đây, hàng loạt báo mạng Việt Nam đưa tin “Người Việt Nam hạnh phúc thứ 2 trên thế giới”, rồi “Việt Nam là nước hạnh phúc thứ 2 trên thế giới” theo đánh giá của Quỹ Kinh tế mới (NEF) dựa trên chỉ số hành tinh hạnh phúc (HPI).

Đánh giá này dựa trên “các yếu tố như việc người dân hài lòng với cuộc sống hiện có, tuổi thọ bình quân cao, và tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên ít gây tác động tới môi trường” hay còn được gọi là “dấu chân sinh thái”.

Xếp hạng này làm dấy lên những nghi ngờ về tính xác thực liệu người Việt Nam có hạnh phúc thứ 2 trên thế giới?

Nên hiểu thế nào về chỉ số hành tinh hạnh phúc?

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, “chỉ số hành tinh hạnh phúc (tiếng Anh: Happy Planet Index, viết tắt HPI, có tài liệu dịch là Chỉ số hạnh phúc hành tinh) là chỉ số do NEF (New Economics Foundation – một tổ chức nghiên cứu kinh tế-xã hội có trụ sở chính tại Vương quốc Anh) công bố.

Kết quả dựa vào các số liệu chọn lọc từ các quốc gia, các tổ chức quốc tế và các số liệu do chính NEF điều tra.

Chỉ số này nói lên mối quan hệ giữa tuổi thọ, cảm giác thoải mái và các hành vi tác động đến môi trường. Do vậy đây không phải là chỉ số thuần túy đo hạnh phúc của một quốc gia. Điều này có nghĩa là một nước có chỉ số HPI cao chưa chắc đã là nước hạnh phúc thực sự mà có thể vì họ… không khai thác quá nhiều tài nguyên.

Do đó, dễ dàng nhận thấy là những quốc gia đang phát triển hoặc kém phát triển nhất tại châu Á, Nam Mỹ lại được xếp đầu bảng, trong khi những quốc gia công nghiệp giàu mạnh tại Bắc Mỹ, châu Âu lại thường nằm cuối bảng vì họ đã tận dụng quá nhiều tài nguyên thiên nhiên”.

Mặc dù vậy, do tầm nhìn và nhận thức khác nhau về việc khai thác tài nguyên thiên nhiên của các quốc gia giàu có khu vực Bắc Mỹ và Châu Âu so với các quốc gia nghèo ở Châu Á và Châu Mỹ La tin nên có lẽ một số người (được khảo sát) ở những quốc gia nghèo lại cho rằng quốc gia của mình chưa bị khai thác tài nguyên thiên nhiên vì “vẫn còn cái để bán” (?).

Ngoài ra, phải chăng người dân ở các các quốc gia kém phát triển có xu hướng tự hài lòng với cái mà họ đang có nên chẳng cần phải cố gắng nhiều (nói tóm lại là làm biếng) nên họ cảm thấy hạnh phúc hơn? Phải chăng chính điều này dẫn đến sự nhầm lẫn khi phân tích số mẫu thu được?

Cũng theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, “theo bảng xếp hạng năm 2006, Việt Nam đứng ở vị trí số 12 trên thế giới và cao nhất Châu Á. Trong 30 nước dẫn đầu phần lớn là các nước đang phát triển, 2 quốc gia thuộc Đông Nam Á khác là Philippines và Indonesia lần lượt nắm các vị trí 17 và 25, Cuba còn xếp đến thứ 6.

Những con số trên cho thấy tính độc lập rất lớn của các tiêu chí do NEF đưa ra với các chỉ số khác như HDI (chỉ số phát triển con người) và GDP (tổng sản phẩm quốc nội). Vì các nước có chỉ số HPI cao lại thường có HDI và GDP thấp và ngược lại.

Bằng chứng là Vanuatu, nước có chỉ số phát triển con người đứng thứ 120 thế giới lại là nước có HPI cao nhất, còn Hoa Kỳ nước giàu có nhất thế giới, thu nhập theo đầu người xếp ở vị trí thứ 4 (tính theo sức mua tương đương) và thứ 9 (tính theo danh nghĩa) lại chỉ xếp hạng 150 trên tổng số 178 nước được khảo sát”.

Nhìn vào bảng xếp hạng đến năm 2009, Việt Nam được lên hạng 5 và năm 2012 vọt lên hạng thứ 2 trên thế giới. Tuy nhiên, do các nước “có chỉ số hành tinh hạnh phúc cao nhưng lại có chỉ số phát triển con người thấp và ngược lại” nên việc hàng loạt báo chí trong nước đưa tin, kể cả Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ, mà không có sự giải thích rõ ràng làm nhiều người lầm tưởng là “Việt Nam là nước hạnh phúc thứ 2 trên thế giới”.

Thế nào là một quốc gia hạnh phúc?

Muốn biết một quốc gia thật sự có hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống hay không, chúng ta hãy nhìn vào cách xếp hạng và Chỉ số Phát triển của Liên Hiệp Quốc.

Theo đó Na Uy đứng hàng đầu thế giới về hạnh phúc trong khi CH Công Gô đứng ở vị trí cuối bảng.

Chỉ số phát triển của Liên Hiệp Quốc năm 2011 khảo sát mức độ hạnh phúc của các quốc gia dựa trên các chỉ số như thu nhập, giáo dục, y tế, tuổi thọ, kinh tế, bình đẳng giới và phát triển bền vững.

Căn cứ vào những tiêu chí này, có thể thấy sự tương đồng về chỉ số do Tổ chức New Economics Foundation (NEF) đưa ra nhưng các chỉ số phát triển do Liên Hiệp Quốc sử dụng lại có tính đại diện và chính xác cao hơn rất nhiều.

Bởi có thêm nhiều yếu tố cực kỳ quan trọng như thu nhập cao, giáo dục và y tế phát triển, kinh tế hiệu quả, bình đẳng giới cao và phát triển bền vững nếu so với 3 chỉ số chỉ bao gồm “sự trải nghiệm hài lòng của người dân, tuổi thọ bình quân cao và tiêu thụ tài nguyên ít gây tác động môi trường”.

Theo tác giả Cảnh Toàn (SGTT-18/6), công thức tính mà NEF đưa ra như sau: Chỉ số hành tinh hạnh phúc (HPI) = chỉ số hài lòng cuộc sống (EW) x với tuổi thọ trung bình (LE)/ chỉ số dấu ấn sinh thái (EF).

Để đo lường độ hài lòng cuộc sống, NEF sử dụng các câu hỏi khảo sát của tổ chức thăm dò uy tín Gallup, người tham gia sẽ đưa ra câu trả lời định lượng trong thang điểm 0 (kém nhất) đến 10 (tốt nhất).

Chỉ số này của Việt Nam là 5,8/10. Với 2 chỉ số còn lại, NEF sử dụng số liệu từ Báo cáo phát triển con người của Liên Hiệp Quốc năm 2011 (tuổi thọ trung bình) và của tổ chức Global Footprint Network năm 2012 (chỉ số EF). Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao lại lấy chỉ số hài lòng với cuộc sống nhân với tuổi thọ trung bình và chia cho dấu ấn sinh thái để ra… chỉ số hạnh phúc hành tinh?

Ảnh minh họa

Trong 3 yếu tố trên thì yếu tố nào là quan trọng nhất để có thể cho điểm trung bình (average weight) một cách chính xác nhất?

Tác giả Cảnh Toàn lý giải rằng “nếu đặt trong bối cảnh Việt Nam (EF = 1,4) là nước đang phát triển, sự khai thác môi trường chưa thực sự đậm đặc như các nước công nghiệp, đồng thời sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, chất lượng sống và sức khoẻ người dân được cải thiện nên có thứ hạng cao”.

Lý giải này có vẻ chỉ đúng trên lý thuyết nhưng hoàn toàn không chính xác trên thực tế. Hãy nhìn nguồn tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, chất lượng cuộc sống bị suy giảm, con người ngày càng trở nên giả dối, nền văn hóa bị xuống cấp sẽ thấy rõ tất cả.

Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi kết quả khảo sát của NEF luôn trái ngược với kết quả của Tổ chức Liên Hiệp Quốc.

Hạnh phúc nhất và…kém hạnh phúc

Theo xếp hạng của Liên Hiệp Quốc, 10 quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới năm 2011 bao gồm: Na Uy, Úc, Hà Lan, Mỹ, New Zealand, Canada, Ireland, Liechtenstein, Đức, Thụy Điển.

Trong khi 10 quốc gia kém hạnh phúc nhất thế giới là: Guinea, Cộng hòa Trung Phi, Sierra Leone, Burkina Faso, Liberia, Chad, Mozambique, Burundi, Niger, Cộng hòa Công Gô. Điểm duy nhất mà cách xếp hạng của hai Tổ chức này gặp nhau là… CH Công Gô đứng cuối bảng.

Chính vì cách xếp hạng không dựa vào chuẩn mực trên đã làm nhiều người ngộ nhận.

Từ 2 cách xếp hạng này, có thể thấy được điều gì?

Thứ nhất, việc xếp hạng cần phải dựa trên những tiêu chí toàn diện và chỉ số chính xác do những tổ chức có uy tín trên thế giới khảo sát và công bố.

Thứ hai, việc khảo sát và chọn mẫu phải mang tính đại diện và chọn lọc cao vì khảo sát nhận thức của một người dân bình thường khác hẳn với một chuyên gia. Đặc biệt, Việt Nam từ một  quốc gia nghèo và vừa vươn lên thành một nước có thu nhập trung bình thấp nên có lẽ một số người nhầm tưởng rằng như thế là “hạnh phúc quá đỗi” bởi “96% người Việt Nam cho rằng “có tiền là hạnh phúc”.

Chính vì cách xếp hạng không dựa vào chuẩn mực trên đã làm nhiều người ngộ nhận.

Điều này cũng giống như cách xếp hạng các trường đại học của Tổ chức Webometrics.

Cách xếp hạng này, chủ yếu dựa trên tần suất xuất hiện trên web của các trường, thông qua 4 tiêu chí size, visibility, rich file và scholar, rồi kết luận rằng Việt Nam có 3 trường thuộc tốp 100 khu vực Đông Nam Á, bao gồm Trường ĐH Cần Thơ (đứng thứ 60), Trường ĐH Bách khoa Tp.HCM (78), và ĐHQG TP.HCM: (95).

Để biết 1 trường đại học được đánh giá như thế nào, cần phải trên các tiêu chí chuẩn mực.

Ví như số bài báo quốc tế theo danh sách ISI, số giải thưởng uy tín quốc tế, nguồn kinh phí tài trợ nghiên cứu, số bằng phát minh sáng chế, hợp đồng nghiên cứu, số giảng viên có học hàm học vị cao (thực chất chứ không phải “dỏm”), tỉ lệ giảng viên/ sinh viên, số nghiên cứu sinh nước ngoài theo học tại trường, đánh giá độc lập của chuyên gia, cơ sở vật chất phục vụ việc giảng dạy, nghiên cứu và học tập….

Chứ không thể chỉ đơn giản dựa trên 4 tiêu chí chủ yếu là tần suất xuất hiện trên web bởi ngay cả 2 Tạp chí xếp hạng các trường đại học có uy tín hiện nay như Times Higher Education và Giao thông Thượng Hải còn bị phê bình là thiếu tính toàn diện.

Trở lại với chỉ số hành tinh hạnh phúc, chúng ta hãy nhìn vào một vài quốc gia bị cô lập gần như hoàn toàn với thế giới bên ngoài, nên nếu người dân được ban phát điều gì đều được xem là “ân sủng” và “vui sướng tột cùng”, thì cảm giác “hạnh phúc” cũng là điều dễ hiểu.

Đức Phật còn phải trải qua 81 kiếp nạn mới thành chính quả thì sự gian truân của con người để tu hạnh và đạt được hạnh phúc là điều cực kỳ nan giải, nữa là một quốc gia còn đang phát triển, còn đang nhiều “vấn nạn”.

Thiết nghĩ “người Việt Nam có hạnh phúc thứ 2 trên thế giới?” đã có câu trả lời.

20
Th6
12

Yêu người

Trần Đình Hoành

lovethyneighbor1
Chào các bạn,

Bạn có tin chính mình không? Có lẽ là mọi người chúng ta sẽ nói “Có.” Vậy bạn tin chính mình đến mức nào? Bạn có tin là ngày mai bạn sẽ ăn không? Có. Bạn sẽ cố gắng làm tốt không? Có. Bạn sẽ không làm điều gì ngu không? À… à… không chắc, nhiều khi giận mất khôn, hay gặp tình thế khó khăn nào đó, nói bậy làm bậy không biết chừng. Cám ơn bạn đã thành thật. Bạn sẽ không nói dối câu nào ngày mai không? À… à… tùy theo…

Nếu chúng ta thành thật với chính mình thì chúng ta chỉ có thể chắc chắn vào hy vọng và ước muốn của mình thôi. Chúng ta có thể tin là chúng ta luôn luôn muốn và cố gắng để hoàn thiện. Nhưng ta không thể tin được mình sẽ làm được mọi việc tốt và sẽ không làm điều ngu dốt hay sai lầm, phải không các bạn? Việc chưa đến thì chưa biết được. Khi gặp cám dỗ của tiền bạc, địa vị, danh tiếng, quyền lực–hay khi phải bảo vệ tiền bạc, địa vị, danh tiếng và quyền lực—ta có thể làm những việc mà ta khuyên người khác không nên làm.

Nói như vậy không có nghĩa là ta chấp nhận sống như vậy là đúng. Đúng sao được? Dù mìnhcó một triệu ly’do để bào chửa, thì nói dối để thâm lạm công quỹ vẫn sai, nói dối để bơm mình to thêm một tí vẫn sai. Tuy nhiên, điểm chính ở đây là chúng ta phải nhìn thẳng vào con tim yếu đuối của mình, để mình có thể mạnh hơn.

Một hệ luận tất yếu tại đây là: Nếu ta không dám tin là ngày mai mình sẽ hành động không lầm lỗi, thì mình còn dám tin ai trên thế giới là sẽ không làm lỗi ngày mai? Ai sẽ không lừa dối, phản bội? Kể cả những người mình yêu thương giúp đở hôm nay?

Để mình trả lời thẳng với các bạn nhé. Bạn có thể rất tốt với một người hôm nay, và ngày mai người đó có thể đâm sau lưng bạn. Đó là thực tế ở đời. Bời vì vậy mà Phật Thích Ca mới có Đề-Bà-Đạt-Đa và Chúa Giê-su mới có Juda và bị đóng đinh.

lovethyneighbor
Thế thì làm sao tôi “yêu người” được? Yêu vài người coi bộ đã khó lắm rồi, làm sao mà yêu mọi người được?

Đây là câu hỏi cốt lõi vào căn bản của tình yêu, và như vậy là cốt lõi vào căn bản của toàn diện liên hệ con người, bởi vì nhìn kỹ lại thì mọi liên hệ cá nhân, gia đình, kinh tế, chính trị của con người, đều chỉ nằm vào một chữ “Yêu” (hay là mặt trái của nó, “Ghét”).

Chúng ta thường suy nghĩ lầm lẫn là phải “tin” thì mới “yêu”, không tin thì không yêu. Chúng ta thường tưởng rằng tin tưởng là căn bản của tình yêu.

Nhưng, tình yêu thực ra độc lập hoàn toàn. Tình yêu chẳng lệ thuộc gì vào lòng tin, chẳng lệ thuộc vào thiện ác, chẳng lệ thuộc vào ai sai ai đúng cả.

Vì con người phá hoại môi trường sinh thái dữ quá, cho nên ngày nay có nhiều sinh vật đã tuyệt chủng và gần tuyệt chủng. Có những loài cọp, voi, rắn… quí hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng. Bạn có thương xót chúng không? Có thể nói lên một câu trong blog của bạn về số phận chúng không? Có sẳn sàng hy sinh một buổi ăn sáng để góp tiền lo cho chúng không? Dĩ nhiên là tất cả chúng ta sẽ nói “Có.” Đúng là chúng ra rất yêu các loài vật này. Nhưng bạn có tin chúng đủ để vào chuồng vuốt đầu chúng không?

Ra đường bạn gặp một thanh niên bị tai nạn rất nặng, không ai đưa chàng đi cấp cứu, bạn có sẳn sàng bỏ ra tí tiền nhờ ông taxi chở chàng ta vào bệnh viện không? Dĩ nhiên là “Có”. Thế giả sử chàng ta không bị thương nặng, bạn có dám cho chàng ta về nhà ngủ một đêm không?

Có một học sinh rất ngỗ nghịch, bạn rất yêu mến và tội nghiệp, và luôn luôn tìm cách làm điều gì đó giúp em khá hơn. Nhưng bạn có dám cho em về nhà ở lại vài bửa trong nhà bạn không?

Bây giờ ta hãy quan sát chiều ngược lại. Bạn làm trong ngân hàng, xét hồ sơ ông thân chủ này và bạn quyết định có thể tin ông ta đủ để ngân hàng cho vay tiền. Nhưng bạn có cần phải yêu ông ta không?

Bạn tin công ty này đủ để bỏ tiền ra mua cái tủ lạnh về dùng, vậy chứ bạn có cần phải yêu công ty này hay yêu ai trong công ty không?

love3
Tình yêu và lòng tin là hai vấn đề hoàn toàn biệt lập. Chúng có thể đi chung với nhau trong nhiều trường hợp, như bánh mì thịt. Nhưng không cần phải đi chung và thường không đi chung, như khi ta ăn bánh mì không có thịt hay ăn thịt không có bánh mì. Căn bản này chúng ta phải nắm vững, nếu không thì liên hệ của chúng ta với mọi người và với thế giới không thể nào phát triển cao độ được.

Chúng ta “Yêu người” vì mọi người là anh em ta, dù là nói theo khoa học DNA, hay nhân chủng học của sự phát triển các chủng tộc, hay nhất nguyên của Phật gia, hay “con Thượng đế” của truyền thống Moses (Do thái giáo, Thiên chúa giáo, Hồi giáo) hay các truyền thống tâm linh khác.

Yêu người vì yêu người là căn tính tự nhiên có sẳn trong ta, như Trời ban mưa ban nắng trên tất cả chúng sinh, kể cả thánh nhân và kẻ giết người.

Yêu người vì mình đã có hạt giống toàn thiện của Thượng đế ở trong tâm mình, và “Thượng đế là tình yêu.” 1 John 4:8.

Yêu người vì mình và người là một–thực tại đầu tiên và cuối cùng mà ta gọi là Phật tính.

Yêu người vì chỉ có như thế thì mình mới thấy được “hình ảnh thương đế” trong mình, mới thấy được “bản lai diện mục”—mặt mũi thật—của mình.

Yêu người vì chỉ có như thế thì mình mới có thể làm cho thế giới này tốt đẹp hơn một tí, dù là chỉ một milimét.
love2

Còn tin hay không lại là chuyện khác. Đó là quyết định thực tế hàng ngày cho cuộc đời hiện tại. Nếu mình làm ngân hàng, người có đủ tiêu chuẩn để ngân hàng tin thì mới cho vay được. Nếu tiền riêng của mình, mà mình không cần lấy lại, thì muốn cho mượn thì cứ cho mà không cần tin.

Nếu người hút sách mựợn tiền nói là để mua thuốc cho con, để đó hỏi lại đã.

Đi chơi với anh thì em rất vui, và em rất yêu anh, nhưng tụi mình có làm chồng vợ được không thì để em suy nghĩ thêm tí nữa.

Ông là bạn lâu năm của tui và tui rất thương ông, nhưng k‎ý tên tui vô đây để tui và công ty của tui đứng tên bảo đảm cho ông việc này, thì để tui suy nghĩ thêm xem có trở ngại gì không.

Chúng ta đừng lẫn lộn tình yêu và những sắp xếp trong những liên hệ hàng ngày. Tình yêu vô điều kiện. Các sắp xếp hàng ngày đòi hỏi lòng tin, đến mức độ cần thiết cho loại sắp xếp đó.

Thế thì tình yêu vô điều kiện đó có liên hệ gì đến đời sống hàng ngày? Thưa, có rất nhiều, vì nó là căn bản cho thái độ sống và làm việc của mình. Dạy học trò mà yêu mỗi em, hay yêu em này mà ghét em kia, hay không yêu không ghét em nào–cứ dạy như cái máy, hoặc dạy học mà ghét trường ghét thầy và ghét tất cả học trò, đây là các thái độ cực kỳ khác nhau mà ai trong chúng ta cũng có thể thấy được.

Yêu người dù có quen biết hay không. Yêu người dù tốt hay xấu. Yêu người dù người làm lợi hay làm hại mình. Yêu người dù người xem mình là bạn hay thù.

Yêu người dù người yêu lại hay ghét lại.

Yêu người không phải vì ta tin vào người, mà vì ta tin vào “hình ảnh thượng đế” hay “tính Phật” trong tâm mình.

Còn các sắp xếp mỗi ngày, thì hãy tùy theo từng trường hợp mà qu‎yết định, luôn luôn với tình yêu và sự quan tâm làm nền tảng sâu thẳm nhất trong tư duy.

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

19
Th6
12

Từ chuyện chí chóe vì… ‘ngược đãi vịt’

Tác giả: Hải Tâm

Với Việt Nam, làm sao để lan truyền vẻ đẹp bất tận của đất nước hình chữ S? Câu hỏi thật hóc búa. Muốn có đáp án, có lẽ lại phải giao đề thi này cho một cuộc thi… cấp quốc gia.

1. Giữa lúc báo chí nóng ran về chuyện tiền, chuyện thừa kế, thi cử và phụ nữ, bỗng lọt vào một tin tức rất vô thưởng vô phạt: Dân mạng Tây cãi nhau chí chóe vì bức ảnh ‘ngược đãi vịt’ ở VN[1]. Đọc tít báo cũng phải cười mím miệng vì hai điều thú vị: có những chuyện với ta rất thường, thì với Tây lại thành “dị”; và cái sở thích sưu tập bất cứ tin tức nào từ quốc tế có liên quan đến Việt Nam của báo chí ta.

Cái sở thích này khiến chúng ta mỏi mắt sưu tầm để “lôi” ra mọi tin tức, nhân vật… có yếu tố nước ngoài nhưng liên quan, dù chỉ mảy may, đến Việt Nam. Chúng ta háo hức theo dõi cuộc đời của cậu bé Pax Thiên gốc Việt giờ đã thành con nuôi ở trời Mỹ. Chúng ta hào hứng trước phát hiện hóa ra bố vợ anh chàng chủ Facebook, Mark Zuckerberg, từng có thời “ăn dầm nằm dề” tại nước ta, v.v…

Các nhà nghiên cứu văn hóa có thể xếp tính “vơ vào” này trong danh mục thói hư tật xấu của người Việt. Nhưng xét ở khía cạnh nào đó, dường như nó cũng cho thấy cái mong mỏi của người Việt được thế giới biết đến, hiểu rõ quê hương bản xứ nơi mình sinh ra. Không rầu lòng sao được khi nghe rằng, người dân không ít nước trên thế giới đến giờ vẫn chỉ hình dung một Việt Nam qua 2 cuộc kháng chiến.

Một vị viện trưởng Viện Quảng bá hình ảnh quốc gia Hàn Quốc từng chia sẻ: “Xuất khẩu hình ảnh quốc gia còn quan trọng hơn xuất khẩu hàng hóa. Và muốn làm kinh tế thì trước tiên phải “gia cố” hình ảnh quốc gia”. Xứ sở Kim Chi với chiến lược Hallyu (làn sóng Hàn Quốc) có thể coi là một trong những điển hình thành công trong việc phủ rộng hình ảnh quốc gia.

Không kỳ vọng tạo ra một “Vietlyu”, nhưng trong nhiều năm lại đây, chúng ta cũng đã chứng kiến những nỗ lực rõ ràng để quảng bá hình ảnh Việt Nam ra bên ngoài, thông qua các chiến dịch bình chọn kỳ quan thiên nhiên, vận động công nhận di sản thế giới, v.v… Ngay cả việc đưa người đẹp Việt Nam đi “cọ xát” trong các cuộc thi sắc đẹp quốc tế, mời các ban nhạc nổi tiếng thế giới về biểu diễn có lẽ cũng không nằm ngoài nỗ lực này.

Bức ảnh “ngược đại vịt” khiến dân mạng Tây chí chóe

2. Những hành động, kế hoạch trên là tầm vĩ mô, và kết quả đến đâu vẫn cần chờ đánh giá của số liệu, thống kê chính thức. Nhưng quay trở lại câu chuyện “ngược đãi vịt”, thì có thể thấy nhiều khi chuyện hình ảnh quốc gia lại nằm ở những điều vi mô khó ngờ.

Chẳng hạn, những anh chàng ngoại quốc “ma xó” kiểu “Dâu Tây” rất có thể trở thành những đại sứ không chính thức (dù không được nổi tiếng về khả năng xài hàng hiệu và trang sức kim cương như vị đại sứ chính thức) giới thiệu hình ảnh Việt Nam tới cái cộng đồng mà anh ta thiết lập được. Vậy hãy thử hình dung họ sẽ nói gì?

Có thể họ sẽ nói về những con người Việt Nam thân thiện, nồng nhiệt, nhưng cũng nhiệt tình không kém trong sự vụ “chặt chém”, nhất là với du khách “lạ”. Có thể họ sẽ ca ngợi phụ nữ Việt Nam dịu dàng, đáng mến, nhưng cũng không quên kể về chuyện rất nhiều phụ nữ Việt giờ đang đầu quân cho đội ngũ lấy chồng Hàn, Đài. Rồi chuyện nhiều chân dài, ngấm ngầm hoặc công khai triết lý “không có tiền cạp đất ra mà ăn”. Còn nếu hỏi chuyện hoa hậu, hẳn các chàng ma xó này sẽ rành mạch cho biết, hiện tại nổi nhất trên báo chí Việt Nam là… “hoa hậu bán dâm”.

Có thể họ sẽ nói đến những người Việt Nam yêu thiên nhiên, động vật, nhưng cũng rùng mình kể chuyện người Việt nổi tiếng mê đặc sản thú rừng, “điên cuồng” truy lùng cây sưa và tiêu thụ sừng tê giác đứng đầu thế giới ra sao.

Có thể nhiều người sẽ nói về một xứ Huế mộng mơ, với dòng sông Hương thanh bình, những lễ hội tưng bừng. Nhưng với những người như vị đại sứ Argentina từng đến Việt Nam hồi tháng 4, thì ấn tượng khó quên của ông về cố đô chắc sẽ là chuyện… bị móc túi. Hay với hai vị khách nước ngoài đến dự họp Interpol hồi tháng 11 năm ngoái, thì cơn sốc khó phai hẳn là chuyến taxi lịch sử – 6 triệu đồng cho 10km đường.

Với vị đại sứ Argentina này, ấn tượng sâu đậm nhất về Việt Nam có thể là…

3. Nghe thế, không ít người Việt sẽ “xù lòng tự tôn”, như có lần chúng ta từng phản ứng trước một anh chàng blogger Mỹ hết lời chê bai du lịch Việt Nam và nêu cao quyết tâm “một lần chót đến, chẳng dại quay lại”. Chúng ta sẽ tìm ra mọi bằng chứng, dù nhỏ nhất để chứng minh anh chàng này chỉ “ăn ốc nói mò” chứ thực tình chưa từng đến Việt Nam, v.v…

Dĩ nhiên, chuyện khen chê vốn vẫn thường tình. Đến như Bali, nơi vẫn được coi thiên đường của tình yêu, làm bao con tim sóng sánh vì những hình ảnh lãng mạn trong Ăn, cầu nguyện và yêu vẫn còn chuốc lấy những ý kiến “thất vọng toàn tập”.

Không chiến dịch quảng bá nào kiểm soát được mọi khía cạnh trong vô số cảm nhận cá nhân này. Rất có thể những du khách may mắn đã gặp được những góc, con người đẹp trên đất Việt. Còn những du khách “vận xấu” lại vấp phải những góc tối nơi đây. Sau tất cả, cái đọng lại với bên ngoài có lẽ vẫn là cách chúng ta đối mặt với những khen chê ấy.

Chuyện hình ảnh, thể diện quốc gia mới đây lại càng nóng với tin tức về việc Đan Mạch “tạm dừng” 3 trên 4 dự án ODA tài trợ cho Việt Nam do nghi ngờ tính minh bạch trong chi tiêu. Thực chất vấn đề là gì, và có chuyện hiểu nhầm hay không vẫn chưa đi đến kết luận cuối cùng. Nhưng một chuyện như vậy xảy ra trước thềm hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) giữa kỳ năm 2012, thật khó không khiến chủ nhà mất mặt.

Nghĩ đến đây, chợt liên tưởng đến nước Nhật. Đất nước mặt trời mọc vốn nổi tiếng vì nhiều điều, chẳng hạn người ta vẫn nói rằng hàng hóa Nhật Bản ẩn chứa trong đó triết lý về sự hoàn hảo, về chất lượng của người Nhật. Nhiều người cũng đã nói đến chuyện quảng bá hình ảnh quốc gia qua chất lượng hàng hóa. Nhưng thật lòng thừa nhận, với một kẻ “chủ nghĩa tiêu dùng” như người viết bài này, thì đơn thuần là hàng Nhật tốt hơn nhiều lần hàng Trung Quốc.

Kẻ trên không thông thiên văn, dưới không tường địa lý như người viết, nếu được hỏi có 3 điều nào xuất hiện đâu tiên khi bạn liên tưởng đến nước Nhật, sẽ chỉ có thể liệt kê “bừa” là: hoa anh đào, hình ảnh lãnh đạo Nhật gập mình xin lỗi người dân, và nhất là lòng quả cảm, trung thực đến phi thường của người Nhật ngay cả trong thảm kịch động đất, sóng thần đã được báo chí cả thế giới ca ngợi.

Chuyện “người ngoài” là thế. Còn với Việt Nam, làm sao để lan truyền vẻ đẹp bất tận của đất nước hình chữ S? Câu hỏi thật hóc búa. Muốn có đáp án, có lẽ lại phải giao đề thi này cho một cuộc thi… cấp quốc gia.


[1] Báo Đất Việt, ngày 5/6: http://baodatviet.vn/Home/congdongviet/Dan-mang-Tay-cai-nhau-chi-choe-vi-buc-anh-nguoc-dai-vit-o-VN/20126/214956.datviet

19
Th6
12

Nâng nhau lên

Trần Đình Hoành

Chào các bạn,

Có một thói quen rất quan trọng, có thể nói là quan trọng số một, trong việc đưa đất nước đi lên. Mình đã nói đến nhiều lần trên ĐCN.

Đó là nâng nhau lên (lifting each other up).

Rất dễ hiểu phải không các bạn. Nếu chúng ta nâng nhau lên thì cả nước sẽ lên cao.

Nếu chúng ta tìm cách lên bằng cách đạp đâu người khác xuống thì cả nước cùng xuống.

Nhưng nâng nhau lên là một thói quen ta phải thực hành thường xuyên thì ta mới thuần thục đến mức thành thói quen hàng ngày mà không phải suy nghĩ.

Làm sao để tạo thói quen nâng nhau lên?

1. Khen: Mỗi người ta gặp hàng ngày có thể có đủ thứ để ta khen, từ áo quần, dáng dấp, đến công việc.

2. Hỗ trợ: Khi bạn ta nói là đang làm một việc gì đó, như là đang dự định mở nhà hàng, đang cố gắng hoàn thành một dự án, thì hỏi “Mình có thể làm gì giúp bạn”, hay ít nhất là “Chúc bạn thành công. Mình rất thích dự án của bạn.’

3. Giới thiệu công việc cho nhau.

4. Giúp nhau tìm việc.

5. Giúp giới thiệu sản phẩm của nhau.

6. Làm kinh doanh chung với nhau.

Dĩ nhiên là nâng nhau lên bằng cách nào cũng tùy trường hợp. Bạn không thể giới thiệu công việc cho người mà bạn không dám tin và không dám thuê nếu bạn là chủ công ty. Không thể làm kinh doanh chung với người mà bạn không dám tin…

Tuy nhiên, điểm chính là, ta phải có mục tiêu nâng mọi người lên, từ người trong nhà, đến bạn bè, đến người quen, đến người không quen.

Nói ‘đến người không quen” có nghĩ là khi ta đọc một bài ai viết, hay bài báo nói về ai đó, thì tìm điểm hay để nâng người ta lên, thay vì cứ kiếm chuyện để phê phán và đì.

Nâng nhau lên chính là tư duy tích cực. Nâng nhau lên cũng chính là yêu người vô điều kiện.

Nếu tất cả chúng ta có thói quen nâng nhau lên, thì đương nhiên là quốc gia sẽ cường thịnh rất nhanh.

Chúc các bạn một ngày nâng cao.

Mến,

Hoành

18
Th6
12

Nhìn cô “bán hoa” ra anh “bán tàu”

Tác giả: Anh Thư

Cũng sẽ phải cân nhắc lại cách đặt vấn đề vì sao những dự án thất thoát ngàn tỷ đồng, đủ nuôi cả một huyện trong cả năm, lại ít được quan tâm hơn chuyện một người mẫu bán dâm.

Để không mất thời gian của những người tò mò, xin thưa ngay là không phải lấy tựa bài chẳng ăn nhập gì nhau để “câu” độc giả cho bài viết này. Mà chúng ta bắt đầu suy luận theo kiểu “Tại sao gái đứng đường lại giống “ông già Noel”?” của nhóm tác giả kinh tế Steven D. Levitt và J. Dubner từ các nghiên cứu của The Economist mới đây.

Theo suy luận này thì các cô gái bán hoa và các “ông già Noel” ở Mỹ giống nhau ở chỗ đều tận dụng cơ hội mùa vụ để tăng thêm thu nhập và tăng giá.

Nếu dịch vụ ông già Noel tăng giá vào dịp lễ, thì số lượng và giá của các cô gái bán hoa cũng tăng khi nhu cầu mua dâm tăng.

Thế còn chuyện hoa hậu mại dâm và thất thoát ở Vinalines có gì liên quan? Hãy bắt đầu từ mức giá 2.000 đô la và thậm chí có thông tin là 30.000 đô la cho những lần đi khách của các chân dài, tăng giảm theo thứ bậc từ C đến A.

Trong thương mại, hiện tượng phân biệt giá xảy ra khi có sự khan hiếm hoặc sự khác biệt. Giả như cũng một chiếc túi xách nữ, nguyên vật liệu như nhau nhưng Hermes, Louis Vuitton, Chanel giá hàng chục ngàn đô la so với một chiếc túi không tên tuổi chỉ khoảng vài chục đô la.

Cũng như thế, hàng trăm, hàng ngàn cô gái đang đứng đường với giá vài trăm ngàn đồng sẽ thấy tủi nhục hơn rất nhiều khi biết “đồng nghiệp” của mình lại có giá gấp hàng – chục – ngàn – lần. Khác biệt là rất lớn dù “công việc” không khác gì nhau.

Việc bắt người bán dâm từ đề tài thuộc phạm trù “tủi nhục – xấu hổ” được dư luận chuyển sang khai thác thành phạm trù định giá “cao cấp – không cao cấp”.

Theo “lý thuyết mùa vụ” nói trên, khi số lượng người mua tăng lên đột biến ắt sẽ dẫn đến sự tăng số lượng người bán.

Ảnh minh họa. Nguồn: DNSG

Động lực xúc tác khiến số người bán tăng lên ở đây là cơn say tiền của xã hội, cùng với đó là sự xuống cấp về đạo đức khi món hàng lại là thân xác và nhân phẩm. Hai ngàn đô la xem ra là cái giá quá đắt cho một cô gái mất nhân phẩm và quá rẻ với một kẻ ranh ma giàu lên bất ngờ.

Để đánh giá nhân phẩm, có nên so sánh 2.000 đô la bán thân của hoa hậu với 10 đô la nhân viên hải quan nhận hối lộ, sẵn sàng bán rẻ danh dự công chức lẫn thể diện quốc gia?

Bởi vì, nhân phẩm và liêm chính đều là những phẩm chất cần có của một con người có đạo đức. Sự phân biệt giá trong thương mại xuất hiện khi có một số khách hàng được người bán xếp vào diện sẵn – sàng – trả – giá – cao. Mua một món đồ, mục đích của những khách hàng này nhiều khi không phải là giá trị sử dụng mà là giá trị cộng thêm về đẳng cấp, về phong cách hưởng thụ để khu biệt với số đông.

Sẵn – sàng – trả – giá cao ở đây chỉ có các đại gia. Ở ta, không có khái niệm thượng lưu hay quý tộc.

Tất cả những người giàu có, cỡ đi xe Rolls Royce Phantom trở lên đều được xếp vào hàng đại gia, dù xuất phát điểm hoặc động cơ làm giàu của họ có thể là bán cá, đốn rừng hay buôn lậu.

Lấy giá thấp nhất của một lần “mây mưa” phi pháp với chân dài hạng C là 2.000 đô la, quy đổi ra tiền đồng là gần 50 triệu đồng, bằng số tiền công chức thu nhập khá ở thành phố để dành trong nửa năm, còn nếu quy đổi ra lúa và thu nhập của người nông dân thì thời gian để dành (nếu có thể) là vài ba năm.

So sánh để thấy rằng không – thể – nào một người bình thường có được cơ hội vui vẻ cùng chân dài. Chỉ có đại gia thừa rất nhiều tiền hoặc tiêu tiền không phải của mình mới chấp nhận đánh đổi một lần qua đêm với chân dài như thế.

Vì thế, theo cách loại suy thì sẽ có cơ sở khi đưa những kẻ tham nhũng hàng ngàn tỷ đồng trong những dự án kiểu Vinalines, Vinashin hoặc các dự án ODA PCI vào đối tượng tình nghi mua dâm hoa hậu.

Nếu như biết tội nghiệp cho cô hoa hậu “bán hoa” hết cơ hội làm lại cuộc đời khi bị phơi hình trên mặt báo, thì cũng cần thấy sự nguy hiểm đối với xã hội của những đại gia không chỉ là chuyện liên quan đến tình dục lệch lạc, mà liên quan đến số tiền đốt cho thú vui bệnh hoạn đó.

Nhầm lẫn hoặc cố tình nhầm lẫn trong đánh giá nhân phẩm và liêm chính đã dẫn đến những nhầm lẫn trong lựa chọn đại diện cho cái đẹp và cán bộ, dẫn đến những hậu quả nhỡn tiền: những cô gái mất phẩm hạnh vẫn có thể thành hoa hậu, còn cán bộ dù làm thất thoát hàng ngàn tỷ đồng vẫn được đề bạt lên chức cao hơn.

Cũng sẽ rất sai nếu tách biệt chuyện tham nhũng và lãng phí đại sự với chuyện “lá cải” của những kẻ thụ hưởng bất bình thường, kể cả cách thụ hưởng tình dục theo cách phi pháp.

Cũng sẽ phải cân nhắc lại cách đặt vấn đề vì sao những dự án thất thoát ngàn tỷ đồng, đủ nuôi cả một huyện trong cả năm, lại ít được quan tâm hơn chuyện một người mẫu bán dâm.

Đó hoàn toàn không thuộc đề tài của cuộc tranh luận báo “lá cải” và không “lá cải” đang diễn ra.

Bởi vì, nếu theo cách suy luận gái bán dâm ít nguy hiểm hơn kẻ mua dâm nêu trên, thì báo “lá cải” thật ra ít nguy hiểm hơn cơ chế đẻ ra những tờ “lá cải”, và ít nguy hiểm hơn rất nhiều “nguyên liệu” mà xã hội đang tạo ra những thông tin “lá cải” đó.

Theo Anh Thư/ DNSG

18
Th6
12

Tu thân

Trần Đình Hoành

Chào các bạn,

Khổng tử nói “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Tức là tu bản thân ta trước, rồi mới đến tề chỉnh gia đình, rồi mới cai trị quốc gia, rồi mới bình định thiên hạ. Tức là làm việc từ trong ra ngoài, từ nhỏ đến lớn.

Ngày nay người ta có khuynh hướng làm ngược lại. Cá nhân thì dối trá, kiêu căng, hận thù… tu thì không tu, nhưng mở miệng ra thì đòi trị quốc gia và bình thiên hạ.

Sự thật là: Nếu ta không lo tu bản thân ta, thì chẳng nên nói chuyện tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Cứ như là người thì gầy trơ xương, chạy 100m đã thở không ra hơi, nhưng thích ngồi bàn bia hơi tính chuyện olympic.

Xã hội chúng ta có nhiều vấn đề vì nhiều chúng ta không chú trọng vào tu thân. Sự thật là nếu nhiều người tu thân, thì nhiều vấn đề cũng tự động biến mất.

Cũng như là chuyện mãi dâm. Lâu lâu mang các nàng bán dâm ra hành, để mọi người lắc đầu với tệ nạn xã hội, nhưng người mua dâm thì đông gấp trăm lần số người bán dâm, chẳng ai nói đến, chẳng ai được đưa lên báo, và các ông các cậu cũng không cho mua dâm là tệ nạn xã hội. Đạo đức giả vừa phải thôi.

Sự thật là nếu ta chưa tu thân thì có lẽ ta không nên nói gì về tề gia, trị quốc, bình thiên hạ cả. Đương nhiên là dân chủ có nghĩa là bạn dốt và tồi cách nào thì bạn cũng có quyền nói, bình đẳng như mọi người khác. Nhưng cho sự trưởng thành của chính bạn cũng như của đất nước, có lẽ bạn nên tình nguyện chẳng nói gì, trừ khi bạn đã bắt đầu thực tập sự chân thật trong tư duy và hành động mỗi ngày.

Rất nhiều người hành động kiểu hút thuốc phì phèo trong khi giảng với con rằng con không được hút thuốc.

Sự thât là tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ không phải là bốn cấp độ tu tập khác nhau—nếu một người có tài ở tầm mức “thiên hạ”, thì việc tu thân của ông/bà ấy sẽ tự động cho cả bốn kết quả cùng một lúc “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Cũng như là một người tổng giám đốc công ty: chỉ một việc tu thân của ông ta sẽ đồng thời giúp cho gia đình ông ta có trật tự và việc quản l‎ý công ty thành công.

Cái đức đưa đến cái tài. Có đức mà không có tài là chuyện rất hiếm. Người có đức làm lãnh đạo, thì thu hút nhân tài, và dàn người dưới trướng của mình sẽ đạo đức và làm việc một cách phi thường. Đó là cái đức đưa đến cái tài.

Nhưng có tài (hay ít nhất là có bằng cấp cao) mà không có đức thì ta thấy mỗi ngày quanh ta và trên báo chí.

Khi mình tuyển người cho các công ty của gia đình mình, mình tuyển cái đức là chính, đến 70% hay 80%. Cái tài thì chiếm chừng 20%, 30% của vấn đề. Rất dễ hiểu. Nếu người có đức nghiêm chỉnh học nghề, thì ta sẽ huấn luyện họ được và họ sẽ có tài nghề rất nhanh. Nhưng nếu người nghĩ là họ đã có tài và kiêu căng thì mình chẳng huấn luyện họ được về tài năng cũng như đức hạnh.

Chỉ có những quản lý thiếu kinh nghiệm mới không quan tâm đến đức hạnh và tính tình của nhân viên khi tuyển người.

Cho nên các bạn muốn tiến xa được trên đời thì hãy tu thân. Đừng nghĩ rằng bạn có tiến sĩ thì bạn sẽ khá. Ở Mỹ tiến sĩ làm thư k‎ý là chuyện thường. Mình đã từng có một người thư ký có tiến sĩ.

Chúc các bạn một ngày tu thân.

Mến,

Hoành

16
Th6
12

Khi người ta sợ sự thật!

Tác giả: Thái Nam Thắng

Sợ sự thật, sợ phải tiếp cận, đối mặt với sự thật sẽ là con đường ngắn nhất dẫn đến tự huỷ hoại.

Gần đây, trong nhiều mặt sinh hoạt đời thường, người ta cảm nhận rõ hơn sự giả dối, gian dối đang ngày càng trở nên phổ biến. Nhưng phải làm gì trước sự giả dối thì gần như người Việt mình vẫn chưa có thói quen hành xử đúng mực với nó.

“Ngụy thiện”?

Có khi biết rõ cái đang diễn trước mặt mình quá ư giả dối, nhưng lại sợ “vạch áo cho người xem lưng”, sợ “xấu chàng hổ ai”, nên sự giả dối, bất lương càng có đất để sống dai và biến tướng.

Giả dối luôn song hành với sự hèn yếu, thiếu tự tin nơi nhân cách, chuyên môn của chính mình. Một khi thước đo nhân cách bị đánh mất thì họ sẽ tìm cách bưng bít và ngăn che sự thật. Biểu hiện rõ nhất của sự giả dối, dối trá là bên ngoài người ta có thể đóng vai làm “nhà từ thiện” nhưng bên trong thì ra sức tiêu thụ hàng quá đát, hàng độc hại để thu lợi bất chính.

Không ít người sẵn sàng làm chứng gian cho nhau, hoặc ngậm miệng cho qua mọi chuyện để cầu toàn, hưởng lợi… Vì thế giả dối luôn song hành với tâm lý xấu che, tốt khoe và sợ sự thật. Trong các quan hệ ứng xử, một khi người ta thiếu lòng tự trọng và sợ sự thật, thì đó là lúc sự giả dối phát tác và bắt đầu gây hại.

Cũng cần phân biệt thêm giữa nói dối, giả dối và gian dối. Nói dối phần nhiều liên quan đến cái miệng, nhưng giả dối và gian dối thì vượt xa sự bất lương của cái miệng. Vì nó còn là thủ đoạn được thúc đẩy ngay trong hành động và ý nghĩ gây hại.

Nói thì dễ, làm thì khó. Nói dối không chỉ là nói sai sự thật, quá sự thật mà còn là nói hoa mỹ, khoa trương, thêu dệt, nói vô bằng. Đằng trước nói phải sau lưng nói trái, nói ác độc gây thù hận, đổ vỡ… Nói dối và làm dối có tác hại ở những mức độ khác nhau, nhưng nếu cả nói dối và làm dối cùng bị ý thức điều khiển thì cụôc sống sẽ phát sinh nhiều bất ổn.

Việc thích nghe khen, nghe nịnh, nghe tâng bốc cũng ít nhiều tiếp tay cho sự giả dối. Giả dối tạo ra sự mất mát niềm tin trong xã hội, một khi ai đó cứ mở miệng ra là rao giảng đạo đức, nhưng cách hành xử thực tế thì luôn đi về phía ngược lại. Hệ thống quản trị xã hội đến lúc nào đó sẽ đối mặt với khủng hoảng một khi các giá trị đạo đức bị bất tín. Nói như dân gian: “Trăm năm tích đức tu hành, một nhời thất đức công trình đổ đi”…

Thông thường, đứng trước sự giả dối nhất thời, người ta sẽ quy ngược và tẩy chay cả quá trình “tích đức” lâu dài trước đó. Vì thế thành tích quá khứ cũng khó “đỡ” nổi cho cái hiện tại trần trụi, nhiều khuyết tật này. Nhưng nếu ai dũng cảm nhận trách nhiệm, không đổ lỗi, thì họ sẽ có cơ hội phục dựng lại hình ảnh nhân cách của mình, xây dựng niềm tin vào sự tốt đẹp cho cộng đồng.

Nếu dùng quyền lực, tiền bạc để bao che tội lỗi, thì sẽ tạo ra cho đời sống ứng xử một thứ lo ngại hữu hình, rằng sự thật không những không được phơi bày mà còn để cho sự giả dối ngang nhiên công phá vào thành trì niềm tin con người.

Khi các mối quan hệ xã hội xảy ra sự mất niềm tin ở diện rộng đối với nhau thì người ta dễ dàng phân tuyến và củng cố cho cái nhìn đối lập “yêu nên tốt ghét nên xấu” của mình. Do đó, những cơ hội để người ta điều chỉnh và tương thông với nhau sẽ bị sự thành kiến ngăn chặn.

Rõ ràng cái nhìn “yêu nên tốt ghét nên xấu” của người Việt mình chưa sửa chữa được cái khuyết điểm lịch sử trong việc “định nghĩa” con người là thiện hay ác, có thể sửa chữa hay không. Đây cũng là quan điểm không thống nhất của Nho gia và Pháp gia trong lịch sử cai trị mà Việt Nam từng chịu ảnh hưởng.

Pháp gia nghĩ ra mọi điều luật để tăng tối đa các công cụ cai trị có lợi cho vương quyền, trong khi Nho gia thì gia giảm và bổ sung nhiều các phép tắc đạo đức, thậm chí ở một mức độ khó tin như “mệnh trời”. Cũng vì đổ hết cho mệnh trời, nên lời nói và thực hành ít đi đôi với nhau.

Khi chữ “trung” được đẩy lên mức cao nhất (trung thần bất sự nhị quân), thì đặc quyền của giới quý tộc gần như không có điểm dừng, trong khi dân chúng phải chịu đủ mọi thứ khắc chế. Hàng nghìn năm dân tộc ta phải sống chung với cái không có thật là “mệnh trời”, một dạng “nguỵ thiện” trong cai trị.

Sẽ rất khó khăn để nói thẳng, nói thật trong những trường hợp ứng xử xã hội thiên về lối sống duy cảm kiểu “yêu nên tốt ghét nên xấu”. Và đó là lý do pháp luật khó được thực thi và sự thật luôn bị đẩy vào góc khuất.

Còn nhiều cái không có thật, cái ảo tưởng vẫn tiếp tục cai trị trong đầu óc con người, nên người ta buộc phải học cách để sống chung với nó. “Nguỵ thiện” là lấy cái học đạo đức giả làm nền cho ứng xử, khiến cho người ta thích nghe những lời tâng bốc và luôn sợ hãi trước sự thật.

Giả dối- ý thức bị cái ác chế ngự hoàn toàn

Theo quan điểm của đạo Phật, rất khó để có những lời nói dối không gây hại cho ai, nên nói dối dù ở mức độ nào vẫn phải dẫn đến “quả báo” mất mát niềm tin. Nói dối có nhiều cấp độ nặng nhẹ khác nhau, nhưng giả dối thì được huấn tập vào trong tính cách, đến một lúc lấn lướt và trở thành cái đối lập với sự chân thật, công lý.

Làm sao có thể xây dựng được một quốc gia hùng mạnh, trong sạch khi người ta luôn sợ hãi trước sự thật, tìm mọi cách để ngăn che sự thật.

Có nhiều tình huống người ta phải nói dối, nhưng đó không phải là sự giả dối. Giả dối có cấp độ cao hơn nhiều nói dối, vì ở đó ý thức đã bị cái ác chế ngự hoàn toàn.

Trong vế tâm lý “ghét nên xấu”, người ta dễ dàng nuôi dưỡng ý định gây tổn hại cho đối phương. Thậm chí, chỉ cần nghe đối phương gặp khó khăn thì họ cũng coi đó là cơ hội để vui sướng, ăn mừng. Ngay cả việc dùng công cụ bạo lực để hại người cũng được xem như một thứ niềm vui. Đôi lúc người ta còn tranh luận: “Tôi chỉ mới có ý định giết người thôi, còn đã có ai chết đâu mà tôi bị coi là phạm tội giết người”.

Theo quan điểm của đạo Phật, mọi hành động được dẫn dắt bởi ý thức sẽ quyết định nghiệp mà họ phải trả. Trong trường hợp này, dù người kia chưa giết người thì tội giết người cũng đã thành lập, vì ý thức trung tâm đã bị cái ác kiểm soát. Đạo Phật gọi đó là tự tác, giáo tha tác, kiến tác tuỳ hỷ (tự tay mình giết, bảo người khác giết, thấy người khác giết mà vui theo).

Dù ở tình huống phải giết một để người cứu vạn người thì vẫn phải chịu qủa báo giết người, không gì có thể bù lấp được cho hành vi cố sát. Vì giết cái ác trong một con người chỉ là giết một vế của con người, còn đang tâm giết cả con người là giết luôn cái thiện, không cho người khác cơ hội để sống và sửa chữa.

Khi ý thức thù nghịch phân tuyến và trở thành định kiến trong ứng xử xã hội thì sẽ tạo ra một môi trường giáo dục ít khoan dung và hoà giải. Một khi lòng từ bi không phải là sức mạnh thì càng sử dụng bạo lực, càng cho thấy sự sợ hãi. Phản ứng của sự sợ hãi chính ngăn che sự thật, khiến người ta không thấy được hành vi gây tổn hại, nhất là khi ý thức đã bị sự hiềm thù, đối đầu kiểm soát.

Trong nhiều trường hợp, pháp luật và nhân nghĩa đời thường không gặp gỡ nhau. Và xã hội “nguỵ thiện” là xã hội mà ai cũng tự cho rằng mình là “chân lý”. Ngay cả tôn giáo, một nơi được xem là có nhiều bài học đạo đức nhất, mà sự chết chóc, thù hận do xung đột tôn giáo cũng không hề giảm.

Pháp luật và đạo đức có đầy đủ các mức độ để kiểm soát hành vi, duy trì trật tự xã hội, nhưng nó sẽ trở nên “nguỵ thiện” khi những người tạo ra nó sống bằng hành vi đạo đức giả, thiếu vắng sự soi chiếu nội tâm và kiểm soát ý thức. Song những bất ổn xã hội là một tương quan rộng lớn, trong đó có cả tâm thức khơi mào cho những nghi kỵ, thù hận, khắc sâu và đưa đẩy những mối họa tham sân si lớn hơn của con người để tranh giành ích lợi và ảnh hưởng, đôi khi chỉ để thỏa mãn cái tự ngã nhất thời.

Tính giả dối và căn bệnh sợ sự thật

Trong lịch sử, Pháp gia và Nho gia ra sức bảo vệ vương quyền bằng đủ mọi quy định pháp luật và quy chuẩn đạo đức. Tuy nhiên, đạo đức tôn giáo và pháp luật trong tình huống cụ thể nào đó lại không có cùng tiếng nói với nhau.

Bởi “đạo đức nguỵ thiện” và “pháp quyền mánh khoé” đều có những mặt lợi hại, nhưng bao nhiêu thế kỷ nay nó chỉ dừng ở mức khắc chế và thúc ước nhau, chứ không bao giờ triệt tiêu nhau. Và khi lợi ích được dàn xếp, nó sẽ tìm cách xích lại gần nhau.

Người Việt mình có một hạn chế là thấy cái gì đó mới là vồ vập, nhưng không theo đuổi cái gì cho đến nơi đến chốn. Thế nên không ít lần tiếp nhận tư tưởng khác, nhưng ít tiếp nối và thừa kế những tinh hoa của nó. Nói chung là thiếu một cái nhìn tương quan toàn diện.

Một giới hạn khác là luôn tỏ ra sợ hãi khi phải thừa nhận những sai lầm. Vì thế dù pháp luật có quy định chi tiết thì người ta cũng không đủ tự tin để giải quyết dứt điểm, tạo nên những thái độ lừng khừng, lưng chừng, nửa vời, nhìn trước ngó sau để bảo toàn cho mình. Quy hoạch chiến lược ở ta yếu cũng chính vì tính cách ăn xổi ở thì, thiếu bản lĩnh tự tin này.

Có người quan tâm hỏi người bạn của mình rằng: “Nghe nói anh bị ung thư phải không?”. Người bạn trả lời: “Không, tôi không có bệnh gì cả”. Một thời gian ngắn sau người kia thấy anh bạn của mình qua đời vì bệnh ung thư, bèn chặc lưỡi: “Rõ ràng anh ta chết vì ung thư mà cứ bảo mình không có bệnh gì?”. Việc chết đến nơi rồi mà vẫn không thừa nhận mình có bệnh. Đó là bệnh gì, nếu không phải là bệnh sợ hãi sự thật.

Sợ sự thật, sợ phải tiếp cận, đối mặt với sự thật sẽ là con đường ngắn nhất dẫn đến tự huỷ hoại.

Trong một bài báo, nhà báo Hữu Thọ có nói: “Muốn nghe được lời nói thật là phải công phu lắm, phải thành tâm lắm. Hãy rửa tai để nghe lời nói thật vì không có lời nói thật nào mà không có vị chua chát. Để bệnh nói dối tràn lan chủ yếu là tại người nghe“.

Có sự thật nào thật hơn những phát biểu ấy? Đến nỗi Giáo sư Hoàng Tuỵ phải thốt lên: “Sự giả dối đang là mối nhục lớn“. Nhưng ai là người đi đầu trong nhận thức “biết nhục” để xã hội không nhục, thì còn tuỳ vào việc có người nghe được lời nói thẳng và nghe được sự thật hay không.

Cái thói quen ứng xử “yêu nên tốt, ghét nên xấu” cũng khơi mào cho việc dung dưỡng sự giả dối, đánh tráo khái niệm và làm sai lệch nhận thức. Khi không còn niềm tin ở nhau, xã hội ở tất cả các phía ghét yêu đều muốn giành phần thắng về mình bất chấp cả “lời nói dối”, bất chấp việc bẻ chữ, bẻ nghĩa để gây bất lợi cho đối phương. Đó cũng là hình ảnh sinh động nhất của một xã hội đang dạy nhau dối trá.

Tuy nhiên cũng cần phải hiểu, vì còn có người giữ vai trò cầm cân nảy mực ưa nói dối, làm dối, nên người khác cũng dùng chính cách ấy để chống lại họ. Như vậy, nhẽ ra chúng ta có được một xã hội có đủ người nói thẳng, nói ngay, nói đúng sự thật, có đủ người nghe thẳng, nghe ngay, nghe đúng sự thật…, thì vì định kiến “truyền thống”, “chủ nghĩa”, “tôn giáo”, ngay cả những người được xem là nói được, viết được để tác động đến dư luận xã hội cũng rơi vào hoạt cảnh dối trá…

Khi những cái dối trá ấy gặp nhau, đối chọi nhau thì làm gì có một xã hội đàng hoàng đúng nghĩa. Một khi cái sự gian dối bị đẩy vào góc khuất, đẩy vào bí mật quá lâu thì sẽ tạo ra sự bất tín. Theo quan điểm của đạo Phật, nói dối bất cứ điều gì đều phải chịu quả báo, và quả báo nhãn tiền là ngay cả khi nói thật nhưng cũng không ai tin.

Truyện kể dân gian có nói đến nhân vật một đứa trẻ, vì muốn đánh lừa người khác để làm vui thích, đã hô cháy nhà để mọi người chạy đến cứu. Nhưng khi trò đó tái diễn vài lần, thì người ta không còn tin vào nó nữa. Cho đến khi nhà nó xảy ra hoả hoạn, nó hô khản cả cổ nhưng cũng không ai thèm để ý để chạy  đến cứu.

Trong lịch sử dân tộc, vua Lý Nhân Tông từng xuống chiếu cầu lời nói thẳng, xét người có tài đức cho quản quân dân. Như thế phải quý trọng sự thật, phải có sự dũng mãnh và lòng khoan dung độ lượng hơn người mới có thể lắng nghe được sự thật, lắng nghe được lời nói thẳng.

Trong các quan hệ xã hội, không dung được người khác thì cũng không dung được mình. Dung người thể hiện ở chỗ biết lắng nghe lời nói thẳng. Không dung được người biểu hiện ở hành vi trấn áp bằng bạo lực và các ứng xử dưới chuẩn khác. Do đó càng sử dụng bạo lực, càng dối trá thì càng lộ ra sự kém cỏi trong nhận thức, cũng như sự sợ hãi, hoảng loạn, mất định hướng trong tinh thần.

Khi bạo lực hành vi, ngôn từ trong xã hội thắng thế thì hành xử của con người ngày càng xa rời các giá trị đạo lý, càng sợ hãi trước sự thật… Làm sao có thể xây dựng được một quốc gia hùng mạnh, trong sạch khi người ta luôn sợ hãi trước sự thật, tìm mọi cách để ngăn che sự thật.

16
Th6
12

Giữ trái tim trong sáng

Trần Đình Hoành

Chào các bạn,

Những bản tin hôm nay về các giáo viên ném phao thi ở Bắc Giang cũng như tình trạng học thuê (thi thuê, lấy điểm thuê—tức là gian lận với mọi người và cả hệ thống giáo dục, để lấy các chứng chỉ về thành tích học tập một cách gian lận), là bằng chứng của sự suy sụp rất sâu của đạo đức chúng ta.

Khi nói đến các vấn đề này chúng ta thường loay hoay bàn cãi các giải pháp luật pháp và hành chánh. Nhưng thực sự là đối với những người có căn bản đạo đức, các điều đó đương nhiên là không chấp nhận được. Trong một môi trường mà đa số người tôn trọng sự trung thực và đạo đức, không ai làm thế, và đa số mọi người sẽ cản những hành vi như thế. Tự nhiên là chúng không xảy ra được.

Nhưng, như chúng ta thấy, ngay trong môi trường giáo dục của chúng ta, ngay cả giáo viên và sinh viên cũng không biết thế là sai, là thiếu đạo đức, chưa cần phải nói đến phi pháp. Phải để khi có clip lên mạng cho cả thế giới cùng thấy và cả thế giới cùng la lên, thì lúc mới có những hành động cản ngăn.

Chỉ những người giáo viên ném phao phải chịu trách nhiệm, hay cả một hệ thống giáo dục và đào tạo con người phải chịu trách nhiệm? Chỉ những người thuê học và học thuê phải chịu trách nhiệm hay cả hệ thống giáo dục phải chịu trách nhiệm?

Làm thế nào mà một nền giáo dục như thế có thể đào tạo nhân tài? Cùng lắm là ta có vài sinh viên giật vài giải toán, vi tính… quốc tế, nhưng ta sẽ đào tạo hàng loạt người không hề biết trung thực và đạo đức là gì, và họ sẽ lớn lên và thành những lãnh đạo chính trị, kinh tế và xã hội của nước ta.

Vấn đề của nước ta rất lớn và rất sâu. Chúng ta phải nắm vững điều đó để thấy được tầm quan trọng của tư duy tích cực của chúng ta.

Chúng ta tích cực—khiêm tốn, thành thật và yêu người—để trái tim chúng ta vững chắc trong nếp sống đạo đức, làm gương cho những người chung quanh về nếp sống đạo đức, và tạo trường năng lượng tích cực thúc đẩy mọi người sống đạo đức.

Các bạn, không có tia tối trên đời. Chỉ có tia sáng. Bóng tối chỉ là sự vắng mặt của ánh sáng.

Khi xã hội có nhiều bóng tối, các giải quyết vấn đề là mang vào nhiều tia sáng. Đó là những trái tim vững chắc của mỗi chúng ta—khiêm tốn, thành thật và yêu người. Những điều đó đem lại ánh sáng cho xã hội.

Nếu các bạn thực sự yêu nước thương nòi, các bạn chỉ cần làm một việc: giữ trái tim trong sáng dù bạn già đi bao nhiêu tuổi, không để cuộc đời làm hỏng trái tim của bạn. Ngược lại, hãy dùng trái tim của các bạn làm ánh sáng cho đời. Hãy nhớ rằng, những người thiếu đạo đức và nhũng lạm ngày nay đã từng có một thời rất trẻ và rất trong sáng. Đừng coi thường khả năng của cuộc đời chợ búa hủy diệt trái tim mình, mỗi ngày một chút, mình chẳng nhận ra.

Giữ trái tim trong sáng.

Nếu các bạn kiên trì, các bạn sẽ thấy kết quả từ bản thân nhân rộng ra ngoài—bạn và tất cả mọi thứ quanh bạn sẽ sáng từ từ.

Chúc các bạn một ngày trong sáng.

Mến,

15
Th6
12

‘Điều tra bí mật’ nghi phạm tham nhũng?

Theo BBC Tiếng Việt
Ông Dương Chí Dũng

Việc ông Dương Chí Dũng bỏ trốn khiến Bộ Công an đề nghị cho điều tra bí mật nghi can tham nhũng

Bộ trưởng Công an Việt Nam đề nghị sửa luật để cho phép “tiến hành điều tra bí mật đối với những cá nhân đã có những chứng cứ, có những dấu hiệu phạm tội tham nhũng”.

Thượng tướng Trần Đại Quang phát biểu trong khi trả lời chất vấn về vụ Vinalines của Quốc hội chiều nay 14/6.

Ông nói đã chỉ đạo cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ nguyên nhân Cục trưởng Cục hàng hải Dương Chí Dũng bỏ trốn.

“Theo quy định của pháp luật trước khi khởi tố bị can có lệnh bắt và khám xét đối với ông Dương Chí Dũng thì chưa được áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật,” tướng Quang giải thích.

Nhân việc này, ông kiến nghị Quốc hội và cơ quan chức năng sửa đổi Luật tố tụng hình sự và Luật phòng chống tham nhũng.

Ông muốn cấp trên “cho phép cơ quan điều tra được áp dụng một số biện pháp ngăn chặn cần thiết và được tiến hành điều tra bí mật đối với những cá nhân đã có những chứng cứ, có những dấu hiệu phạm tội tham nhũng để tránh tình trạng có những đối tượng tìm cách bỏ trốn.”

Vị tướng công an xác nhận công an đã được phép điều tra bí mật với “tội phạm ma túy và các tội phạm xâm hại đến quốc gia”.

“Cho phép cơ quan điều tra được áp dụng một số biện pháp ngăn chặn cần thiết và được tiến hành điều tra bí mật đối với những cá nhân đã có những chứng cứ, có những dấu hiệu phạm tội tham nhũng để tránh tình trạng có những đối tượng tìm cách bỏ trốn.”

Bộ trưởng Trần Đại Quang kiến nghị

Mặc dù không chính thức trả lời chất vấn, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng có phát biểu ngắn về vụ Vinalines hôm nay.

Ông nhắc lại quan điểm rằng việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng đã được Bộ “thực hiện đúng và đầy đủ các quy trình, quy định về công tác quản lý cán bộ, bổ nhiệm cán bộ của Đảng, của Nhà nước và đúng thẩm quyền”.

Dẫu vậy, ông nói mình nhận trách nhiệm “chưa thực sự sâu sát việc đánh giá, quản lý cán bộ, còn nóng vội, chưa cân nhắc thận trọng trong bối cảnh, thời điểm bổ nhiệm, công tác giám sát, kiểm tra cán bộ trước đây cũng làm không tốt”.

Ông Thăng “xin được rút kinh nghiệm sâu sắc và kiểm điểm một cách hết sức nghiêm túc trong việc đánh giá và quản lý cán bộ”.

‘Hạn chế khả năng đối phó’

Trong ngày hôm nay, Việt Nam vừa công bố chính thức kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Hội nghị này bế mạc hôm 15/5 và chỉ hai ngày sau, nổ ra vụ Vinalines với quyết định khởi tố ông Dương Chí Dũng.

Bản kết luận, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành, tái khẳng định “sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước là nhân tố quyết định thành công của công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”.

Đảng Cộng sản nói sẽ tăng cường chống tham nhũng

Điều 4 của văn bản này ghi: “Nghiên cứu áp dụng các biện pháp cần thiết để hạn chế khả năng đối phó của đối tượng có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí khi bị thanh tra, kiểm tra”.

“Sửa đổi pháp luật hình sự theo hướng tăng hình thức phạt tiền, miễn hoặc giảm hình phạt khác đối với những đối tượng có hành vi tham nhũng nhưng đã chủ động khai báo, khắc phục hậu quả.”

“Có quy định nhằm hạn chế tối đa việc cho bị can được tại ngoại trong quá trình điều tra hành vi tham nhũng và việc áp dụng hình phạt tù, nhưng cho hưởng án treo đối với đối tượng phạm tội tham nhũng,” theo văn bản.

Đề nghị với Quốc hội của Bộ trưởng Công an được chú ‎ý trong bối cảnh chống tham nhũng chịu sự kiểm soát của giới lãnh đạo chóp bu trong Đảng.

Giới quan sát đặt câu hỏi liệu “điều tra bí mật” có thể được dùng cho cuộc đấu tranh nội bộ giữa các nhóm trong Đảng hay không.

15
Th6
12

Lãnh đạo: Lòng tin

Trần Đình Hoành

believeinyourself
Chào các bạn,

Trong bài Thành tố của tuyệt vời chúng ta nói “LÒNG TIN, Xa hơn hy vọng, lòng tin tuyệt đối vào chính mình, vào mục tiêu của mình, vào kết quả.”

“Lòng tin” chính là ngọn lửa, là đầu máy, là động lực khiến người lãnh đạo tiến bước và cuốn hút những người khác đi theo. Có lòng tin là có tất cả, không có lòng tin là không có gì cả. Ta có thể có tầm nhìn, có mục tiêu, có chiến lược; nhưng tất cả những điều đó vẫn chỉ là con đường. Đầu máy đưa ta đi trên con đường đó là lòng tin. Nếu không có tầm nhìn, đầu máy vẫn chạy được, mặc dù là có thể chạy vòng vòng một chỗ muôn năm. Nhưng nếu không có lòng tin, tức là không có đầu máy, thì chẳng có gì chuyển động—tầm nhìn, mục tiêu, chiến lược đều vô ích. Vì vậy chúng ta thường nghe những câu nói như, “Với lòng tin, mọi sự đều có thể. Không lòng tin, mọi sự đều không thể,” hay “Nếu bạn có lòng tin nhỏ chỉ bằng hạt cải, bạn có thể bảo ngọn núi dời đi nơi khác và nó sẽ làm theo lời bạn.”

Lòng tin cho ta quyết tâm và kiên nhẫn, vì ta tin là ta sẽ thắng. Lòng tin cho ta can đảm, vì ta tin là ta sẽ thắng. Lòng tin làm ta chiến thắng mỏi mệt, vì ta tin là ta sẽ thắng. Lòng tin làm ta không sợ hiểm nguy, vì ta tin là ta sẽ thắng. Lòng tin làm ta không sợ cười nhạo, vì ta tin là ta sẽ thắng. Lòng tin làm ta không chấp nhận “không thể được,” vì ta tin là ta sẽ thắng.

Lòng tin sinh ra hy vọng, nhưng lòng tin không phải là hy vọng. “Tôi hy vọng là ngày mai trời mưa” thì khác với “Tôi tin là ngày mai trời mưa.” Bạn không thể bắt đầu một dự án, môt công việc làm ăn, một cuộc khảo thí, với thái độ, “Tôi hy vọng là tôi sẽ thành công,” mà là “Tôi tin là tôi sẽ thành công”—tôi sẽ thành công, không cần biết điều gì sẽ xảy ra. Bạn có thể vấp ngã, bạn có thể sưng mày mặt, cuộc hành trình của bạn có thể gian nan hơn và dài ngày hơn bạn muốn, nhưng cuối cùng bạn sẽ thắng. Lòng tin là một khẳng định về một kết quả sẽ đến, một chiến thắng trong tương lai. Và đó không phải là tiên đoán, mà là khẳng định.

Một khẳng định tuyệt đối, không có gì lay chuyển được. Nhưng anh thiếu kinh nghiệm—tôi sẽ có kinh nghiệm, tôi sẽ thắng. Nhưng anh thiếu tiền—tôi sẽ có đủ tiền, tôi sẽ thắng. Nhưng anh không có liên hệ–tôi sẽ có liên hệ, tôi sẽ thắng. Nhưng nếu trời làm anh thất bại—tôi sẽ tiếp tục cho đến lúc thời thất bại của tôi chấm dứt và tôi sẽ thắng.

believeinyourself1

Lòng tin mang lại cho ta tất cả những gì ta cần để thành công. Ta cần chiến lược, lòng tin sẽ cho ta chiến lược–nếu ta không có chiến lược tốt, một lúc nào đó ta sẽ gặp quân sư. Lòng tin cho ta vốn liếng–cứ tiếp tục một lúc nào đó bạn bè hay ngân hàng sẽ cho vay vốn. Lòng tin ta cho kiến thức—cứ tiếp tục, đi một ngày đàng học một sàng khôn, cho đến khi ta thành đại sư phụ. Lòng tin cho ta bạn đồng hành—ta khởi đầu một mình, nhưng cứ tiếp tục đi mãi và ta sẽ có nhiều bạn đồng hành.

Lòng tin không đặt vào điều gì ngoài mình, như là vào tình trạng kinh tế thế giới, vào tình trạnh chính trị thế giới, vào sự ủng hộ của mọi người, vào vận may… dù rằng tất cả những gì thuận lợi cũng đều tốt.

Lòng tin đây là lòng tin (1) vào chính mình, (2) vào mục đích của mình, và (3) vào kết quả tối hậu. Và cả 3 điều này thực ra qui vào một điểm: chính mình. Tin vào mục đích của mình, tức là tin vào quyết tâm của mình không bỏ cuộc, không rời mục đích nửa chừng. Tin vào kết quả tối hậu tức là tin vào mình không bỏ cuộc cho đến lúc chiến thắng.

Những người không nắm vững vấn đề có thể cho rằng lòng tin tuyệt đối như thế không thực tế, vì ta không thể biết được thực tế tương lai. Tuy nhiên, người tư duy tích cực biết rằng đây là lòng tin vào một thực tế chắc nịch như đá tảng. Nếu ta ném một quả cam lên trời, nhắm mắt ta cũng biết là trái cam sẽ rơi xuống đất. Ngày mai ném nó cũng rơi xuống đất. Năm tới ném nó cũng rơi xuống đất. Nếu ta vững tin vào ta, thì nhất quyết ta sẽ thành công, không cần biết chuyện gì sẽ xảy ra. Vấn đề chỉ là thời gian, không hôm nay thì ngày mai, không năm này thì năm khác.

Lịch sử Việt Nam là minh chứng hùng hồn, qua mấy ngàn năm, rằng mọi chênh lệch về sức mạnh, mọi yếu kém về thể chất và khoa học, mọi sai biệt về văn mình, đều không thể thay đổi một qui luật tối hậu—nếu ta có lòng tin vào ta, ta không bỏ cuộc, cuối cùng ta sẽ chiến thắng, dù đối thủ có là người khổng lồ số một trên hành tinh này.

Nhưng làm thế nào để ta có thể có được lòng tin tuyệt đối như thế?

Thưa, lòng tin có nhiều cấp độ. Ở cấp độ bình thường, đó chỉ là là sự quan sát cuộc đời bình thường—kiến tha lâu đầy tổ. Đi hoài không bỏ cuộc, dù là đi bô, thì bất kỳ nơi nào trên quả đất ta cũng có thể đi đến được, chỉ là vấn đề thời gian.

Tuy nhiên, ở một mức sâu thẳm hơn, ở mức mà ta có lòng tin vô tận, thì quả tim ta phải lấy được sức mạnh vô tận từ cuộc đời. Nếu ta biết rất rõ là quả tim của ta thanh tịnh, lòng ta không có cái tôi, ta yêu đời và yêu người, ta làm việc vì tình yêu, để phục vụ đời sống, để làm cuộc đời tốt đẹp hơn, để anh chị em của ta vui vẻ hạnh phúc hơn, và công việc của ta làm đẹp lòng cuộc đời, đẹp lòng trời đất thiên địa, thì quả tim của ta sẽ nối kết được với quả tim của cuộc đời, và mạch sống của ta hòa quyện vào mạch sống của cuộc đời. Từ đó ta có thể lấy ra năng lượng cho một lòng tin vô tận.

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành




Lượng người truy cập

  • 84 593 hits

Bài được xem nhiều nhất

  • Trống
Tháng Sáu 2012
H B T N S B C
 123
45678910
11121314151617
18192021222324
252627282930